Chạm vào giấc mơ

Xuất thân trong gia đình lao động nghèo ở phường Vỹ Dạ (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), bố tôi bị bại liệt từ lâu, kinh tế do một tay mẹ gánh vác, ngoài tôi còn có hai đứa em cũng tuổi ăn học. Hoàn cảnh khó khăn, nên tôi không đi học thêm môn nào, ngoài giờ học ở trường, tôi đi kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, từ công việc phụ thợ hồ, đến kéo xe chở xà bần…

Bước ngoặt ý nghĩa

Kết thúc lớp 11, hên là tôi được lên lớp 12. Phải dùng từ “hên” vì sức học của tôi thì thuộc loại yếu, nhiều môn mất căn bản như toán, lý, hoá, tiếng Anh. Do đó, học lực yếu này gần như là yếu toàn diện. Nhận tin được lên lớp, tôi mừng lắm, khoe với mẹ. Mẹ bảo: “ráng lên, học cho xong lớp 12, rồi kiếm cái nghề chi đó mà làm, chứ tình hình này thì cũng không hy vọng học đại học nổi”. Tôi cũng chỉ ước là có thể thi đậu tốt nghiệp cấp 3, được xem là đỗ tú tài, thế là cũng nở mặt nở mày với hàng xóm láng giềng.

Nghỉ hè được vài hôm, tôi đến thăm nhà cô Nguyễn Khoa Lan Phương, giáo viên môn vật lý Trường THPT Hai Bà Trưng (Huế). Đó là một ngôi nhà nhỏ màu vàng trên đường Võ Thị Sáu, phía trước có trồng cây bông giấy đang trổ hoa rất đẹp. Sau khi tôi vào nhà, cô hỏi: “Năm tới em định thi vào ngành gì?”. Tôi thưa thích ngành luật lắm, nhưng có lẽ chỉ là mơ thôi, khả năng thi tốt nghiệp cấp 3 hiện giờ cũng chưa có vì yếu đều tất cả các môn. Cô cười: “Em sắp xếp thời gian đến đây học, cô dạy cho từ căn bản, không phải lo tiền bạc gì hết”. Thế là lần đầu tiên trong đời tôi, có giáo viên sẵn sàng dạy kèm cho tôi mà không màng đến thù lao.

Chạm vào giấc mơ - Ảnh 1.

Cô Lan Phương (thứ hai, từ trái qua) cùng các cô giáo khác

Hôm sau, tôi đến theo học. Lớp học rất đặc biệt, có tôi và một bạn nam khác (tên Minh Dũng, con trai cô, cùng tuổi tôi). Tôi tưởng tượng sẽ như vịt nghe sấm vì kiến thức căn bản tôi không có, hay kiểu như giáo viên cứ thao thao bất tuyệt với bài giảng thì thực tế lại không như vậy. Sau vài phút giảng ngắn, thay vì hỏi học sinh có hiểu bài không, cô lại hỏi: “Cô dạy có dễ hiểu không?”. Và thế là trong khi nghe tôi chia sẻ, cô bảo bạn Minh Dũng đi lấy trái cây, vừa ăn vừa trò chuyện. Tự nhiên tôi thấy mình sướng lạ, được đi học không phải nộp học phí, rồi còn được ăn, được góp ý về bài giảng nữa. Những cuộc trò chuyện vui vẻ, làm tình cảm Cô – Trò gần gũi nhau hơn. Nhiều hôm, cô mời tôi ở lại ăn cơm tối với gia đình cô, cảm giác như người thân trong nhà. Tôi bắt đầu thích học và hứng thú với môn Vật lý đến lạ kỳ.

Trong nhiều buổi học sau đó, tôi luôn bắt đầu với vấn đề “vì sao?”. Vì sao nó lại không phải là thế này mà lại là thế kia? Vì sao và vì sao? Điều tôi trân quý là thời gian mà cô đã dành cho tôi, cô lắng nghe các vấn đề mà học sinh chưa hiểu, giải đáp các thắc mắc của môn học. Kết quả học tập môn Vật lý của tôi học kỳ 1 năm học 2002 -2003 được cải thiện khá nhiều, từ đáy của lớp, tôi vươn lên thuộc “top 5”. Bản thân tôi ngạc nhiên “từ khi nào mà mình học tốt vậy kìa?”. Tôi nhận ra rằng, vấn đề yêu thích môn học rất quan trọng. Khi đã có niềm đam mê với môn học nào, thì dù thời gian học ít, học sinh cũng sẽ tập trung sự chú ý, lắng nghe để tiếp thu kiến thức từ giáo viên. Mặc dù vậy, năm 2003, sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi vẫn không thể đỗ vào trường đại học như ước mơ do các môn học khác không được cải thiện nhiều. Tôi tiếp tục thi và đỗ hệ trung cấp chuyên nghiệp. Đó cũng là một niềm vui với bản thân tôi và gia đình.

Người thắp lửa hy vọng

Thời gian theo học trung cấp, tôi vẫn thường xuyên ghé thăm nhà cô, tâm sự về giấc mơ học đại học luật, tôi muốn được học theo sở thích. Cô khuyên tôi có thể vừa học trung cấp, vừa có thể ôn thi lại vào năm sau. Tôi thắc mắc làm thế nào để có thể thực hiện được điều đó? Theo gợi ý của cô, tôi có thể học ở trường ban ngày, và tự ôn thi, củng cố lại kiến thức vào ban đêm, hãy tiếp tục thi, để biết thực lực mình tới đâu, biết đâu đấy… Năm 2004, nhận được kết quả trúng tuyển đại học, tôi vui lắm, báo tin cho cô biết ngay. Cô trò cùng vui mừng. Kết quả đó là công sức của cả năm ôn luyện với những buổi tối miệt mài bên sách vở. Tôi đã chạm vào được giấc mơ của mình với sự động viên, hướng dẫn nhiệt tình từ cô Lan Phương. Cũng từ đó, đời tôi bước sang một ngã rẽ khác, theo hướng tốt đẹp hơn.

Chạm vào giấc mơ - Ảnh 2.

Tác giả (đứng giữa) và đồng nghiệp, người bên phải cũng là học trò của cô Lan Phương)

Sau 20 năm, giờ đây đang công tác thanh tra trong lĩnh vực pháp luật phòng, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi vẫn không thể quên được tình cảm, tâm huyết mà cô đã dành cho tôi – người học trò nhỏ năm nào. Mỗi tuần tôi đều cố gắng thu xếp công việc và thời gian để đến thăm cô và gia đình, mong vẫn mãi là người học trò của cô.