Vừa qua, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp Trường ĐH An ninh nhân dân (TP Thủ Đức, TP HCM) tổ chức hội thảo khoa học “An ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số”.
Hội thảo đã thu hút rất đông nhà khoa học trẻ, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực an ninh tham gia bàn luận nhiều vấn đề về an ninh mạng và chuyển đổi số như: ứng dụng công nghệ số trong quản lý sinh viên; chính sách, pháp luật về an ninh sinh viên; các mối đe dọa an ninh mà sinh viên đang phải đối mặt; vai trò của các tổ chức giáo dục trong việc đảm bảo an ninh sinh viên,…
Hội thảo gồm 3 phần chính: phiên hội thảo toàn thể, phiên trình bày poster, phiên báo cáo tham luận. Tại phiên Hội thảo toàn thể, Thượng tá, TS Ngô Bích Thủy, Phó Trưởng Phòng Cục An ninh nội địa Bộ Công an, chỉ rõ cách nhận diện hoạt động tác động, lôi kéo thanh niên, sinh viên qua không gian mạng của các tổ chức phản động và trao đổi một số hoạt động phức tạp của người có ảnh hưởng trên không gian mạng (KOL) thời gian qua.
Thượng tá, TS Ngô Bích Thủy, Phó Trưởng Phòng Cục An ninh nội địa Bộ Công an, trình bày tại hội thảo
Các bài tham luận được Hội đồng khoa học thẩm định đánh giá cao sẽ được chọn vào vòng báo cáo poster tại Hội thảo.
Đại tá, PGS – TS Nguyễn Trần Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An ninh nhân dân, nhấn mạnh khoa học công nghệ ảnh hưởng đến tất cả lĩnh vực trong cuộc sống như kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường… đặc biệt là quốc phòng an ninh.
“Xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, có tác động tích cực lẫn tiêu cực. Điều này đòi hỏi chúng ta phải liên tục nâng cao trình độ để đảm bảo an toàn, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, nhất là phòng chống tội phạm thường tấn công sinh viên như tội phạm ma túy, mại dâm, lừa đảo trực tuyến” – Đại tá, PGS – TS Nguyễn Trần Hiếu chỉ rõ.
PGS – TS Nguyễn Trần Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An ninh nhân dân, yêu cầu sinh viên phải trau dồi kiến thức, kỹ năng để làm chủ công nghệ số
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có 1.952 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động. Đây đều là những diễn đàn trực tuyến để người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân.
Với “cơn bão” chuyển đổi số và sự phát triển tốc độ của mạng xã hội, thực trạng “bạo lực thông tin” trên không gian mạng ngày càng nhiều. Bạo lực ảo nhưng nạn nhân là thật. Người sử dụng thông tin với các tương tác của mình trên không gian mạng vô tình dính líu vào các xung đột, đe dọa, bắt nạt, thậm chí là ngược đãi về mặt tinh thần.
Sinh viên thuyết trình ý tưởng của mình tại phiên trình bày poster
Sinh viên các trường ĐH, học viện giới thiệu poster với ban giám khảo
Đại tá, PGS – TS Nguyễn Trần Hiếu cho rằng việc tổ chức hội thảo là điều rất cần thiết góp phần loại bỏ những lổ hổng về an ninh mạng, đồng thời tiếp thu những ứng dụng công nghệ, sáng kiến mới của các trường CĐ, ĐH để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực an ninh mạng, giúp sinh viên trang bị những kỹ năng phòng chống, bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Sau 2 tháng triển khai, hội thảo khoa học “An ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số” đã tiếp nhận về 88 bài tham luận của 177 tác giả đến từ 28 đơn vị là các trường ĐH, học viện, doanh nghiệp và viện nghiên cứu trong và ngoài TP HCM.