Liên quan đến vụ việc tranh chấp tử thi người đàn ông chết từ 3 tháng trước đang thu hút sự quan tâm của dư luận, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đức Du, Công ty Luật TNHH Đại Nguyên (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk), để làm sáng tỏ câu chuyện pháp lý.
Khai quật hài cốt của ông Nguyễn Bá T. để làm sáng tỏ vụ việc
Theo luật sư Nguyễn Đức Du, sau khi bà Lưu Thị T. (SN 1941, ngụ tỉnh Vĩnh Phúc) gửi đơn cho rằng cái chết của con bà là ông Nguyễn Bá T. (SN 1976, ngụ tỉnh Đắk Nông) có dấu hiệu tội phạm nên về phương diện pháp lý, cơ quan điều tra tiến hành khai quật và khám nghiệm tử thi là đúng quy định tại Điều 202 Bộ Luật tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, luật sư Du cũng băn khoăn rằng trước khi khai quật, cần xem xét lại là có cần thiết hay không vì trước đây, khi bệnh viện trả thi thể ông T. cho đến khi chôn cất nhiều ngày sau thì phía gia đình ông T. không trình báo, yêu cầu điều tra. Đến khi ông T. đã chôn cất hơn 100 ngày mới yêu cầu khai quật là điều mâu thuẫn và không phù hợp với phong tục, truyền thống người Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Đức Du – Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk
Qua theo dõi, luật sư Du cho rằng bản chất sâu xa chỉ là tranh chấp về thừa kế và tranh chấp về di dời mồ mả, hài cốt. Sự việc xuất phát sau khi phía gia đình ông T. biết được giấy chứng nhận kết hôn của ông T. với bà Trần Thị Ngọc S. không thể hiện chữ ký của 2 vợ chồng. Lúc này, phía gia đình ông T. cho rằng là giấy giả và bà S. không phải vợ, 2 người con cũng không phải là con ruột ông T. nhằm phủ nhận quyền thừa kế tài sản.
Tuy nhiên, theo dõi trên báo chí, luật sư thấy rằng làm việc với cơ quan công an, nguyên cán bộ tư pháp UBND thị trấn Đắk Mil khẳng định đã làm thủ tục đăng ký kết hôn cho vợ chồng ông T. Bên cạnh đó, các hình ảnh tổ chức đám cưới của ông T. và bà S. năm 2008 cũng được đăng tải. Trước khi ông T. mất, 2 bên gia đình cũng hòa thuận, thường xuyên ra vào thăm nhau và 2 vợ chồng cũng đã có 2 người con.
“Về hài cốt, pháp luật không quy định quyền thừa kế mà chỉ có quyền thăm nom hoặc di dời. Ở đây, bà S. là vợ của ông T. được pháp luật và các bên thừa nhận nên bà và 2 con có quyền thăm nom, chăm sóc và quản lý mồ mả của chồng, cha. Điều này phù hợp với đạo lý cũng như thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam và đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015” – luật sư Du chia sẻ.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, bà S. và ông T. lấy nhau từ năm 2008 và có 2 người con, 1 cháu đang học lớp 10, 1 cháu học lớp 7. Ngày 15-7, khi đang nằm ngủ thì ông T. có biểu hiện bất thường nên bà S. hô hoán mọi người đưa đi cấp cứu nhưng ông T. không qua khỏi.
Hình ảnh vợ chồng ông T. tổ chức đám cưới năm 2008. Ảnh bà S. cung cấp
Mới đây, bà Lưu Thị T. (sau đó ủy quyền lại cho con gái) làm đơn trình báo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho rằng nguyên nhân ông T. chết có dấu hiệu tội phạm, là bị giết chết.
Ngày 25-10, cơ quan chức năng đã khai quật hài cốt ông T., lấy mẫu tử thi để xác định nguyên nhân tử vong cũng như xét nghiệm ADN.
Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông cho biết khám nghiệm sơ bộ thì không có dấu vết tác động ngoại lực. Cơ quan chức năng cũng lấy mẫu tử thi đưa đi giám định. Tại buổi khai quật, phía bên gia đình ông T. có 4 người từ Vĩnh Phúc vào. Sau khi khai quật, phía gia đình ông T. đề nghị đưa thi thể về nhưng 2 con của ông T. không đồng ý. Hiện tại 2 bên rất căng thẳng, tiềm ẩn mất an ninh trật tự.