Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt năm 2009, tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh là 5.318 tỉ đồng. Công trình được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
119 hộ dân thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân 14 năm mong ngóng tái định cư dự án thủy lợi Bản Mồng
Hồ Bản Mồng sau khi chặn dòng sẽ tích được 225 triệu m3 nước; là công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An, phục vụ tưới tiêu cho hơn 18.800 ha đất nông nghiệp ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn và thị xã Thái Hòa, cấp nước về sông Cả vào mùa hạn, cắt giảm lũ vào mùa mưa.
Dự án nằm trên đất Nghệ An, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của 119 hộ dân với 430 nhân khẩu ở thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bởi, khi dự án tích nước lên cao trình +78,9 m thì cả thôn Thanh Sơn với diện tích 702,6 ha (gồm nhà cửa, ruộng vườn, đất sản xuất nông nghiệp…) sẽ chìm trong nước, buộc phải di dời tái định cư.
Thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân nằm lọt thỏm trong một thung lũng, bao quanh là những quả núi cao
Thế nhưng, 14 năm qua, dự án chậm tiến độ khiến 119 hộ dân thôn Thanh Sơn vẫn chưa được tái định cư, sống trong điều kiện thiếu thốn đủ đường từ đường sá đi lại, cơ sở vật chất phục vụ cộng đồng, các phúc lợi xã hội… Mặc dù người dân nơi đây đã kiến nghị nhiều lần tới cấp tỉnh, Trung ương nhưng đến nay dự án vẫn trôi vào im lặng.
Cận cảnh cuộc sống của 119 hộ dân thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân bị ảnh hưởng từ Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng:
Con đường chính dẫn vào thôn Thanh Sơn có tới 7 đoạn bị suối, ngầm chia cắt, mặt đường không được thảm nhựa hay bê-tông hóa nên việc đi lại rất khó khăn
Để qua suối, ngầm người dân địa phương phải làm những cây cầu bằng tấm ván tạm như thế này
Tuy nhiên, theo bà con nơi đây, mỗi năm họ phải làm cầu tạm rất nhiều lần vì cứ mưa lớn là cầu bị lũ cuốn trôi
Toàn bộ 119 hộ dân sống bám 2 bên con đường độc đạo dẫn từ đường Hồ Chí Minh vào thôn
Con đường chỉ có một lối vào duy nhất nếu đi bằng ôtô, xe máy nên khi có mưa lũ tràn về, cả thôn gần như bị cô lập với bên ngoài khi nước suối dâng cao
Ông Hà Văn Giới, Bí thư kiêm trưởng thôn Thanh Sơn, bên một khu ruộng của dân bị đất đá vùi lấp trong đợt mưa lũ hồi cuối tháng 9 vừa qua
Với khối lượng lớn đất đá tràn vào ruộng thế này, người dân rất khó khăn, tốn kém khi cải tạo lại đồng ruộng để gieo cấy
Bà Lương Thị Liên chỉ vào thân cây kè, nơi nước lũ ngập cao tới đó, tràn cả vào nhà bà
Do ảnh hưởng của dự án nên con kênh dẫn nước ra đồng của thôn cũng không được nhà nước đầu tư để sửa chữa, phục vụ tưới tiêu
Nhà dân có tiền cũng không được xây mới, sửa chữa
Nhà văn hóa của thôn xuống cấp, hư hỏng khắp nơi
Trần nhà văn hóa hư hỏng rơi khắp nơi
Bà Lương Thị Liên (70 tuổi) mong muốn nếu dự án tiếp tục triển khai thì sớm thực hiện để bà con tới nơi ở mới, còn không thì tái đầu tư các cơ sở vật chất đường sá, trường học, trạm xá… để người dân yên tâm ổn định cuộc sống
Trưởng thôn Thanh Sơn chia sẻ những khó khăn của người dân suốt 14 năm qua