Làng Tân Hóa, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vừa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023”. Khác biệt ở chỗ hiếm có làng quê nào ở Việt Nam chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên tai và bị tổn thương như ngôi làng này bởi hàng trăm năm nay người dân chật vật sinh tồn với lũ… Nhưng rồi du lịch đã thay đổi tất cả.
Vùng đất chịu nhiều tổn thương
Làng Tân Hóa nằm bên dòng sông Rào Nan uốn lượn giữa những cánh đồng ngô và bao quanh bởi các dãy núi đá vôi trùng điệp. Nằm trong vùng lòng chảo nên làng được nhắc đến với biệt danh “túi đựng nước” hay “rốn lũ”. Bao đời nay, người dân sống quần tụ dưới chân thung lũng nhờ nghề nông, đi rừng nên cái nghèo cứ bám riết lấy họ.
Cảnh yên bình ở vùng đất Tân Hóa
Trong ký ức của ông Trương Sơn Bài (72 tuổi), hình ảnh quê hương ngập chìm trong nước đã quá quen thuộc hàng chục năm qua và thật sự là nỗi ám ảnh. Đáng nhớ nhất là trận “đại hồng thủy” năm 2010 – nước bao vây tứ phía, nhà bị ngập tới nóc, dân tất tưởi tháo chạy trong đêm.
Theo các bậc cao niên ở Tân Hóa, do địa hình của làng nằm trong thung lũng, bao bọc xung quanh bởi núi nên khi nước dòng sông Rào Nan chảy về thoát không kịp sẽ dâng cao, biến nơi này như một “túi đựng nước”. Cứ đến mùa lũ, vùng Tân Hóa lại ngập chìm trong nước, nhà chỉ còn trơ lại mái, người dân chỉ kịp mang theo vài vật dụng rồi tháo chạy lên những lèn đá để trú ẩn, đợi nước rút mới về, tài sản ngập ngụa trong bùn đất, cơ ngơi của họ dường như mất trắng.
Khi lũ đi qua, từng có nhiều đề xuất dời làng đến vùng đất mới hay nổ mìn phá núi để tạo vùng thoát lũ. Nhưng người dân sống ở đây hàng trăm năm nay đã quen với cuộc sống, cái khổ của những ngày ngập chìm trong dòng nước quyết không dời làng.
“Cái khó ló cái khôn”
Trong “cái khó ló cái khôn”, năm 2011, người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa đã sáng chế nhà phao chống lũ và đã thay đổi cả vùng quê này hơn 10 năm nay. Nhà phao được làm từ 20 – 30 thùng phuy rỗng kết lại, tùy điều kiện của mỗi gia đình mà làm lớn hay nhỏ.
Khi lũ đến, nước dâng cao, nhà phao nổi theo con nước – nước dâng đến đâu, nhà nổi đến đó. Từ đó đến nay, người dân sống thoải mái trong những căn nhà phao. Khi mùa mưa đến, họ tích trữ lương thực, nước sạch đủ dùng cho hơn 1 tuần. Hiện có khoảng 620 căn nhà nổi để người dân sinh tồn một cách bình yên bên dòng nước, không còn lo cảnh đói rét.
Là vùng “rốn lũ” nhưng bù lại, Tân Hóa được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc, làng mạc bên dòng Rào Nan uốn lượn đẹp như bức tranh thủy mặc, hệ thống hang động Tú Làn ẩn sâu trong cánh rừng như bước ra từ vườn cổ tích. Đến đây, ai cũng sẽ ngạc nhiên bởi bầu không khí yên bình của làng quê và nhiều nét văn hóa bản địa độc đáo, gần gũi, thân thương.
Hình ảnh trận lũ lịch sử năm 2010 tại “rốn lũ” Tân Hóa
Cư dân nơi đây đa phần là người dân tộc Nguồn, lâu nay sống nhờ làm nông, trồng lúa, trồng bắp, chăn nuôi và dựa vào cánh rừng Tú Làn nên cái nghèo cứ bám riết lấy họ. Tuy nhiên, cuộc sống ở chốn “thâm sơn cùng cốc” ấy đã dần thay đổi, kể từ khi Công ty Chua Me Đất (Oxalis) đặt “viên gạch” đầu tiên vào năm 2011, khi hệ thống hang động Tú Làn với nhiều tour, tuyến được cấp phép khai thác du lịch.
Từ một làng quê quanh năm đối mặt với nghèo khó, Tân Hóa bắt đầu tham gia hoạt động du lịch của Oxalis. Những nông dân “chân lấm tay bùn” chỉ sau các khóa tập huấn, đào tạo đã trở thành hướng dẫn viên, nhân viên khuân vác… trong các tour du lịch. Những người mẹ chỉ biết địu con làm rẫy trở thành đầu bếp phục vụ món ăn bản địa cho du khách. Họ đã có công việc từ đó, ban đầu chỉ vài người, nay đã lên đến hơn 100 lao động và có nguồn thu nhập đáng mơ ước.
Anh Trương Xuân Hùng, chủ homestay Hùng Liên ở Tân Hóa, nói từ những ngày tháng người dân phụ thuộc vào rừng, làm lụng sống qua ngày thì nay cuộc sống đã thay đổi nhờ du lịch – có công việc ổn định để lo cho gia đình, cho con cái ăn học. Anh cũng là người hưởng lợi khi tận dụng căn nhà phao để làm homestay phục vụ du khách.
“Xưa nhắc đến Tân Hóa là nghĩ tới lụt, nghèo đói, còn nay Tân Hóa đã đổi thay nhiều lắm. Đời sống người dân được nâng cao hơn rất nhiều kể từ khi có hoạt động du lịch – không còn phải lặn lội rời xa quê hương để làm ăn mà có công việc ngay trên mảnh đất của mình” – anh Hùng bộc bạch.
Tại Tân Hóa, ngoài khám phá hệ thống hang Tú Làn, hang Tiên thu hút hàng ngàn lượt khách, để tạo nên nét độc đáo riêng, mô hình du lịch thích ứng thời tiết đã đem lại nhiều trải nghiệm cho du khách. Các sản phẩm mới như: trải nghiệm xe địa hình ATV trong rừng lim, homestay thích ứng thời tiết như ở nhà nổi, thả lưới, câu cá, chèo thuyền kayak vượt lũ, vượt suối… hay dịch vụ trải nghiệm ăn tối ở nhà dân đang trở thành những tour thu hút du khách. Chính sự xuất hiện của du khách đã mang đến làn gió tươi mới cho vùng đất giữa bốn bề núi đá này.
Du khách tham gia tour trải nghiệm hang động, núi rừng Tân Hóa
Ghi tên trên bản đồ du lịch thế giới
Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, vừa trở về từ TP Samarkand của Uzbekistan – nơi UNWTO công bố Tân Hóa là “Làng du lịch tốt nhất thế giới” sau khi đánh giá 260 hồ sơ từ 60 quốc gia, cũng là người đại diện lên bục nhận giải thưởng danh giá này. Ông nói từ nay, Tân Hóa sẽ ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới với kỳ vọng trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong nay mai.
“Từ những người sống nhờ vào việc làm nông, khai thác rừng, đến nay người dân Tân Hóa trở thành những người bảo vệ từng thân cây, từng góc rừng, coi việc bảo vệ rừng là chắt chiu từng kế sinh nhai, là bảo vệ chính nguồn sống bền vững của mình. Nhờ du lịch, cuộc sống người dân từng bước cải thiện, có thu nhập ổn định. Tân Hóa cũng nỗ lực để ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương” – ông Duẫn chia sẻ.
Tân Hóa trở thành “Làng du lịch tốt nhất thế giới”
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, tâm sự trong ký ức của ông, đây là ngôi làng “tổn thương” nhất của Quảng Bình khi lũ đến, nhưng Tân Hóa bây giờ thật đặc biệt, người dân đã biến cái bất lợi thành sinh kế bền vững trên con đường chinh phục thiên nhiên.
“Đây là ngôi làng được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng quý hiếm, những hang động tuyệt đẹp, cảnh quan mộc mạc, bình yên và nét văn hóa, ẩm thực bản địa độc đáo, khác biệt” – ông Phong tâm sự.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis, cho biết nơi đây không chỉ làm du lịch theo mùa mà là quanh năm. Cảnh sắc nơi đây ngày càng nổi tiếng khi được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim như: “Người bất tử”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”, đặc biệt là phim bom tấn của Hollywood: “Kong: Skull Island – Đảo đầu lâu”… đã ghi tên Tân Hóa trên bản đồ du lịch thế giới.
Cơ hội lớn
Theo ông Hồ An Phong, việc Tân Hóa vượt qua hàng trăm ngôi làng đặc biệt trên khắp thế giới, được vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới” sẽ mở ra một cơ hội lớn để chào đón lượng lớn du khách đến với Tân Hóa trong tương lai. Bởi thích ứng thời tiết cũng là một cách để thích ứng với biến đổi khí hậu – chủ đề cả thế giới quan tâm trong những năm qua.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tân Hóa là trung tâm du lịch phía Tây Bắc Quảng Bình – một trong những “vệ tinh” của Phong Nha – Kẻ Bàng.