• Trang chủ
  • Kinh doanh
  • Báo cáo lương thưởng 2023: Trung bình lương cơ bản của Hà Nội thấp hơn các tỉnh miền Nam 10% và TP.HCM 12%

Báo cáo lương thưởng 2023: Trung bình lương cơ bản của Hà Nội thấp hơn các tỉnh miền Nam 10% và TP.HCM 12%

Báo cáo lương thưởng – phúc lợi năm 2023 của Talentnet được khảo sát từ 638 doanh nghiệp, trong đó có 578 doanh nghiệp nước ngoài và 60 doanh nghiệp trong nước, tăng 30 doanh nghiệp so với năm 2022. Vị trí và số lượng người lao động tham gia khảo sát cũng tăng vượt bậc, với hơn 3.439 vị trí đến từ hơn 544.005 người lao động trên khắp Việt Nam.

Dưới đây là một vài kết quả đáng chú ý của khảo sát nói trên.

Trung bình lương cơ bản của Hà Nội thấp hơn TP.HCM 12%.

Hà Nội dù cũng là một trọng điểm kinh tế của cả nước, nhưng mức trả lương cơ bản năm lại thấp hơn 12% so với TP.HCM, thậm chí thấp hơn cả các tỉnh thành phía Nam khác nói chung đến 10%.

TP.HCM và khu vực miền Nam đang có mức trả lương cơ bản năm cho nhân viên tốt nhất Việt Nam, một phần đến từ sự quan tâm đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, Đà Nẵng có mức lương cơ bản thấp hơn tới 26% so với TP. HCM. Nếu tính tổng thu nhập gồm đãi ngộ, chênh lệch này được rút hẹp còn 18%.

screen-shot-2023-10-20-at-3.49.43-pm.png
Báo cao mức lương trung bình của các nhân viên  giữa các thành phố lớn Việt Nam của Talentnet

Còn theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về Điều tra lao động việc làm cho thấy, trong giai đoạn 2017-2021, thu nhập từ việc làm bình quân của lao động làm công ăn lương ở mức khoảng 6,2 triệu đồng/tháng. Trong năm 2021, thu nhập từ việc làm bình quân của lao động làm công ăn lương ở mức hơn 6,55 triệu đồng/tháng.

Xét theo vùng kinh tế – xã hội, Đông Nam Bộ là khu vực có thu nhập của lao động làm công ăn lương cao nhất năm 2021 với 7,26 triệu đồng/tháng.

Tiếp theo, Hà Nội là địa phương lao động bình thường có thu nhập bình quân cao nhất cả nước trong năm 2021 với 8,24 triệu đồng/tháng. TP.HCM xếp thứ hai với mức thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương đạt 7,68 triệu đồng/tháng.

Các vị trí còn lại trong top 10 tỉnh, thành có thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương cao nhất cả nước năm 2021 là Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Điện Biên, Hải Dương và Bình Dương với mức lương bình quân dao động từ 6,86 – 7,41 triệu đồng/tháng.

screen-shot-2023-10-20-at-4.24.27-pm.png
Báo cáo của Careerbuilder

Còn theo một báo cáo về lương của Careerbuilder, mức lương nhân viên văn phòng Việt Nam bình quân là 8,6 triệu đồng/tháng, thấp nhất 3,3 triệu đồng/tháng và cao nhất 30 triệu đồng/tháng. Lương bình quân nhân viên văn phòng Hà Nội đạt 9,5 triệu đồng/tháng, trong khi TP.HCM là 8,3 triệu/tháng.

Năm 2023, tỷ lệ gia tăng ngân sách lương của DN Việt cao hơn FDI, nhưng mức lương trung bình vẫn thấp hơn 23%

Năm 2023, tỷ lệ gia tăng ngân sách lương của doanh nghiệp Việt Nam đạt 7,9%, tăng nhẹ 0,2% so với năm 2022. Chỉ số tương tự ở doanh nghiệp đa quốc gia là 7,1%. Dự đoán với tình hình hiện tại của nền kinh tế, ngân sách tăng lương của doanh nghiệp Việt sẽ giảm còn 6,9% trong năm 2024, trong khi doanh nghiệp nước ngoài vẫn duy trì ổn định ngân sách tăng lương.

Do đi theo chính sách từ vùng, ngân sách tăng lương của các DN nước ngoài tại Việt Nam không thay đổi quá nhiều dù kinh tế biến động. Ngược lại, các DN Việt Nam phản ứng trước biến động với việc giảm ngân sách lương dành cho thăng tiến và điều chỉnh so với thị trường (market adjustment) trong năm 2023, so với 2022.

screen-shot-2023-10-20-at-3.50.10-pm.png

Tuy nhiên, mặt bằng chung tổng thu nhập ở các công ty Việt Nam vẫn thấp hơn các công ty đa quốc gia là 23% trong năm 2023.

Cụ thể hơn: cấp bậc của người lao động càng tăng, sự chênh lệch trong mức lương càng rõ ràng. Từ cấp giám sát trở lên, tổng mức thu nhập thực tế của NLĐ tại công ty Việt Nam trả lương trung bình (P50) còn thấp hơn mức tổng thu nhập tại công ty nước ngoài sở hữu mức lương thấp (P25).

Nhân viên Gen Z muốn thăng chức sau 2 năm, nhưng thường nghỉ việc sau 1,7 năm

Về cơ cấu lao động hiện nay, thế hệ Baby boomers (sinh trước năm 1965) chỉ chiếm 0,3% lực lượng lao động. Thế hệ gen X (sinh năm 1965 – 1980) chiếm 11,3%, gen Y (sinh năm 1981 – 1996) chiếm 68% và gen Z (từ năm 1997 trở về sau) đang chiếm khoảng 20,4%.

Hầu như tất cả các thế hệ, khi đã đồng hành cùng tổ chức, muốn được thăng chức trung bình sau 3 năm. Riêng với Gen Z, con số này rút ngắn còn 2 năm. Tuy nhiên, thâm niên trung bình của thế hệ này chỉ là 1,7 năm.

ba-nguyen-t-quynh-phuong-talentnet-3-.jpg
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương – Giám đốc Bộ phận Tư vấn nhân sự, Talentnet

Vì vậy, tùy vào chiến lược của tổ chức mà doanh nghiệp nên điều chỉnh chính sách nhân sự hoặc giảm thời gian cần thiết để thăng chức nhằm thu hút nhân tài gen Z ở lại lâu hơn”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương – Giám đốc Bộ phận Tư vấn nhân sự, Talentnet khuyến nghị.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động hiện tại có những triết lý làm việc và nhu cầu khác nhau.

Thế hệ Millennials (1980-2000) thích LÀM CHỦ CÔNG VIỆC. Lực lượng lao động nòng cốt của doanh nghiệp Việt lúc này muốn chủ động lựa chọn công việc phù hợp, để không từ bỏ những đam mê cá nhân và có cuộc sống đầy màu sắc. Họ thường không chọn ‘sống chết’ với công việc và xem công việc chỉ là một phần của cuộc sống.

Gen X (1965-1980): LÀM ĐỂ SỐNG – thế hệ này đi làm để phục vụ cho cuộc sống chứ không để chất lượng sống bị ảnh hưởng bởi guồng quay công việc. Baby boomers (trước 1965): SỐNG ĐỂ LÀM VIỆC – họ luôn tận tụy và cống hiến hết mình cho công việc.

Đặc biệt, trong lực lượng lao động hiện tại, nhóm nhân viên “truyền thống”, chỉ trung thành và gắn bó với một công ty trong suốt sự nghiệp chỉ còn 2%.