Những xung đột trong gia tộc không phải là điều hiếm thấy giữa các doanh nghiệp gia đình trên toàn thế giới, đặc biệt dưới sức ép cạnh tranh của kinh tế thị trường ngày một khốc liệt. Nhiều hệ luỵ đã được chứng minh từ những đổ vỡ trong nội chiến công ty gia đình, ảnh hưởng lớn tới danh tiếng và thế lực của doanh nghiệp.
Khi nội chiến kéo theo hệ luỵ ngoại biên
Đằng sau sự hoàng nhoáng của những tập đoàn gia đình là “ngọn lửa” tranh giành quyền lực âm ỉ cháy qua nhiều năm, thiêu rụi mọi tình cảm máu mủ chỉ trong phút chốc.
Đại Tập đoàn gia đình lớn tại châu Á phải kể đến Samsung với sự chuyển giao quyền lực đầy biến động qua ba thế hệ cùng sự phân tách, chia rẽ rõ ràng về tài sản cũng như về tình cảm gia đình. Chỉ cho đến năm 1987, khi người con trai thứ ba Lee Kun-hee của người sáng lập Lee Byung-chul chính thức lên làm chủ tịch và cải tổ lại toàn bộ hoạt động, đế chế Samsung mới được gây dựng trở nên quyền lực tới ngày hôm nay. Tuy vậy, sóng gió xảy đến từ bê bối cá nhân của Chủ tịch Lee Kun-Hee sau hàng loạt nghi án và kết tội hối lộ, trốn thuế, tham ô từ các công ty con khiến Tập đoàn Samsung lâm vào khủng hoảng. Loạt bê bối để lại nhiều chỉ trích từ dư luận khi Lee Kun-Hee nhiều lần nhận được ân xá bất chấp những bằng chứng về các thủ đoạn chuyển giao quyền lực xảo trá cho các thế hệ tiếp theo.
Vào năm 2012, Tập đoàn Samsung một lần nữa rơi vào cơn lũ của giới đầu cơ sau khi nổ ra vụ kiện tụng đòi quyền thừa kế từ người anh cả Lee Maeng-Hee yêu nhận được ¼ cổ phiếu của Chủ tịch Samsung Life Insurance – trị giá khoảng 850 triệu USD nhưng không thành. Cuộc chiến pháp lý dài kỳ kết thúc nhờ phán quyết của tòa án Hàn Quốc đã ủng hộ cho chủ tịch đương nhiệm là Lee Kun-Hee.
Sau sự kiện Chủ tịch Lee Kun-Hee qua đời, thế giới lại tiếp tục được chứng kiến câu chuyện thừa kế Samsung của thế hệ thứ 3 khi khoản thuế thừa kế khổng lồ được xem là một gánh nặng đối với cổ phiếu của các công ty mà gia đình này đang nắm quyền kiểm soát. Đến nay, những người thừa kế trong gia tộc Samsung đã phải cầm cố cổ phiếu để vay tiền và gần đây đã nâng khoản vay lên gần 3 tỷ USD nhằm thanh toán khoản thuế thừa kế lên tới gần 10 tỷ USD và duy trì quyền lực tại đế chế Samsung. Cổ phiếu của 4 công ty thuộc tập đoàn Samsung, trong đó có Samsung Electronics Co. và Samsung C&T Corp., thuộc quyền sở hữu của các thành viên gia đình Samsung hiện được nộp lên tòa án để làm tài sản thế chấp cho khoản thuế thừa kế khổng lồ. Tổng giá trị số cổ phiếu này là 13,3 tỷ USD, trong đó chưa tới một nửa được dùng để thế chấp vay tiền, đặt mối xung đột lợi ích tiềm ẩn với cổ đông tại các công ty khi kìm hãm giá cổ phiếu để giảm bớt gánh nặng về thuế.
Một ví dụ điển hình khác của văn hóa doanh nghiệp Chaebol – chế độ cho phép sự “độc tài” của một số gia đình tài phiệt chi phối toàn bộ nền kinh tế được hậu thuẫn đã trở thành một nét đặc trưng tại Hàn Quốc – phải nhắc đến Gia tộc Korea Air gắn liền với loạt bê bối bạo hành, lạm quyền và ức hiếp kẻ yếu, khiến công chúng phẫn nộ và quay lưng bài trừ dù doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Hàn Quốc.
Thực tế, việc anh em mẹ con “tương tàn”, giành quyền kiểm soát ở các tập đoàn gia đình trị hàng đầu châu Á như Samsung, Hyundai, Kumho, Lotte, Reliance Industries… không chỉ mang đến các hệ luỵ chính trị, pháp lý, phân nhánh cấu trúc doanh nghiệp mà còn gây ra các làn sóng ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị tổng thị trường cổ phiếu khu vực cũng như việc làm của hàng triệu người lao động nằm trong tay các tập đoàn kể trên.
Không ít gia tộc kinh doanh nổi tiếng ở châu Á rơi vào cuộc khủng hoảng trong giai đoạn chuyển giao thừa kế
Tại Mỹ, câu chuyện đấu đá khốc liệt của các gia tộc tỷ phú cũng không phải ngoại lệ với những tấn bi kịch tranh giành quyền lực, phân chia tài sản cùng các cáo buộc và các cuộc chiến pháp lý trường kỳ.
Như mâu thuẫn giành quyền kiểm soát công ty gia đình Koch Industries nổi tiếng với vụ kiện từ 2 anh em trai gia tộc Koch đòi phần chênh lệch cổ phiếu bán sớm. Sau vụ kiện, doanh thu của tập đoàn Koch tiếp tục tăng trưởng lên tới 115 tỷ USD mỗi năm, còn 2 người anh em trai dù dành 18 năm để theo đuổi các vụ kiện tụng để đòi thêm số tiền tương xứng với giá trị thực của số cổ phiếu cũng chỉ nắm giữ mức tài sản trung bình với cuộc đời không mấy nổi bật.
Vụ kiện nội bộ đòi phần chênh lệch cổ phiếu bán sớm của gia tộc Koch kéo dài trường kỳ trong 18 năm
Cuộc chiến giành quyền kiểm soát công ty cho thuê xe tải và xe kéo U-Haul cũng khiến gia đình Shoen sa lầy trong các vụ kiện tụng trong suốt 25 năm. Mâu thuẫn bị kéo tới đỉnh điểm với những cáo buộc con sát hại mẹ, người cha tự tử trước cả khi vụ kiện kết thúc…
Trong khi tại gia tộc Pritzker, người thừa kế khách sạn Hyatt, Liesel Pritzker, chỉ mới 18 tuổi khi nộp đơn kiện cha và 11 người anh họ khác với cáo buộc đã lạm dụng quỹ tín thác của cô và người anh trai Matthew, đồng thời đòi khoản bồi thường lên tới 6 tỷ USD. Theo đơn kiện, cha cô, Robert Pritzker – người đã ly hôn với mẹ cô, bà Irene – đã sử dụng tiền trong quỹ tín thác của hai con mình để đóng cổ phần cho công ty gia đình bên nội. Tuy nhiên nhiều năm sau, khi các anh em họ của cô lên kế hoạch chia tài sản, họ đã bỏ qua Liesel và anh trai cô. Người trong cuộc nhìn nhận rõ ràng cuộc chiến không phải vì tiền bạc khi Liesel chỉ nhận được 500 triệu USD. Cuộc chiến dẫn đến việc khối tài sản bị chia năm xẻ bảy và tạo ra thêm gần một chục tỷ phú mang họ Pritzkers trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ.
Bài học nhãn tiền từ các cuộc suy tàn gia đình trị
Ta thấy được 2 hình ảnh nổi bật của công ty gia đình: duy trì uy tín doanh nghiệp cộng hưởng gia tăng giá trị đóng góp cho cộng đồng; hoặc danh tiếng giảm sút vì bê bối cá nhân hay hành động sai lầm dưới phạm vi hệ thống.
Bài học cơ bản nhất là các công ty gia đình nên khuyến khích sự trung thực và minh bạch để đảm bảo lòng tin công chúng, cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan với hình ảnh tích cực và giá trị thương hiệu, phân tách tối đa với các bê bối cá nhân.
Thứ hai, đoàn kết là sức mạnh tạo nên thành công. Sự đồng lòng và sẻ chia quyền lợi công bằng giữa các thành viên nội bộ sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho lộ trình tăng trưởng xuyên suốt của doanh nghiệp để không vấp phải bất cứ tác động khách quan nào. Ngược lại, sự xung đột tiêu cực trong gia đình liên quan đến quyền lực điều hành không tương xứng, việc kế thừa tài sản, chuyển giao quyền quản lý giữa các thế hệ, xung đột về lợi ích kinh tế giữa các thành viên trong gia đình… thường dẫn đến những tổn thương lớn và lâu dài về tài chính, nguồn lực và đôi khi không thể khôi phục được. Xét về khía cạnh cá nhân, năng lực, uy tín hay sự liên kết điều hành công ty không phải là gia sản dễ dàng có thể truyền lại cho những người kế nghiệp. Danh tiếng và thực lực của những nhà lãnh đạo giỏi cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng nếu không nằm ngoài sự liên đới từ bê bối nội chiến gia đình.
Cuối cùng, các công ty gia đình cần đặt tăng trưởng kinh doanh làm mục tiêu hàng đầu trước khi đưa ra những quyết định công khai nội chiến. Thất thoát tài chính và kinh doanh giảm sút có thể xảy ra sẽ ngay lập tức làm suy yếu công ty, gây hoang mang trong đội ngũ nhân sự nội bộ và kéo theo hàng loạt nguy cơ mất cơ hội đầu tư khi uy tín danh tiếng doanh nghiệp biến động trên thị trường.
Các tập đoàn gia đình có thể tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, đặc biệt là những “trụ cột” chèo lái thị trường và giữ vai trò chìa khoá thành công đối với các nước có nền kinh tế mới nổi
Những tập đoàn tài phiệt thống trị Hàn Quốc: Doanh thu của riêng Samsung và Hyundai tương đương 20% GDP cả nước, chi phối toàn bộ nền kinh tế
Thực tế, trong danh sách các công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, nhiều doanh nghiệp gia đình có cổ phiếu thuộc nhóm vững mạnh trên thị trường chứng khoán. Điều này đặt ra bài toán và tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp gia đình thực sự cần có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp để đảm bảo nền kinh tế của quốc gia, khu vực không phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn giữa các giai đoạn “chuyển giao gia đình trị”.
Anh Đức