• Trang chủ
  • Giải trí
  • Rosie mượn văn học đưa vào âm nhạc để tôn vinh phụ nữ Việt

Rosie mượn văn học đưa vào âm nhạc để tôn vinh phụ nữ Việt

Sau thời gian ấp ủ, Rosie- học trò của ca sĩ Thanh Hà tại “The voice – Giọng hát Việt 2019” – chính thức tái xuất với “Mời buồn sang chơi”. Ca khúc thuộc thể loại Pop – R&B, pha trộn với chất liệu điện tử, của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, thu hút khán giả ngay từ những nốt nhạc đầu tiên.

Sự hài hòa giữa dòng nhạc hiện đại và chất giọng đặc trưng của Rosie đã mang đến cho người nghe một không gian âm nhạc đặc sắc, ấn tượng.

Hình ảnh trong “Mời buồn sang chơi” mang đậm dấu ấn dân gian. Câu chuyện đề cập đến thân phận của người phụ nữ Việt Nam thời xưa.

Xuyên suốt MV, màu sắc u tối trở thành tông màu chủ đạo, thể hiện sự buồn tủi mà những người phụ nữ Việt Nam thời xưa đã gặp phải. Một xã hội đặt lên vai người phụ nữ phải sống theo chuẩn mực “tam tòng tứ đức”.

Để phác họa rõ nhất sự bất công, tủi hờn của phái đẹp lúc bấy giờ, Rosie đã khéo léo lồng ghép hai nhân vật văn học gồm: Thị (Vợ Nhặt) và Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương).

Rosie mượn văn học đưa vào âm nhạc để tôn vinh phụ nữ Việt - Ảnh 3.

Âm nhạc hay lại sử dụng hình tượng văn học vào tác phẩm, Rosie lập tức thu hút người nghe

Trong đó, qua hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm “Vợ Nhặt”, sản phẩm muốn khắc họa sự lệ thuộc của người phụ nữ trong xã hội cũ, được “nhặt” về chứ không hề có sự chủ động, nhưng trong mỗi hoàn cảnh cô đều luôn cố gắng vun đắp và làm thật tốt nghĩa vụ người vợ của mình từ công việc sắp xếp, dọn dẹp, nấu ăn đến giặt giũ…

Đặc biệt hơn ở hình ảnh bàn ăn có 14 người nhà chồng nhưng chỉ có một người phục vụ là người vợ của gia đình, gợi nhắc về những thực trạng đáng buồn vẫn còn tiếp diễn kể cả ở xã hội hiện đại. Hình ảnh bàn ăn không chỉ ám chỉ về gia đình của người chồng, mà còn có thể hiểu như 14 tính cách khác nhau.

Đồng thời, việc khai thác chi tiết cái bóng trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” cũng mang ý nghĩa sâu sắc. Trong tác phẩm gốc, chi tiết cái bóng thực ra chính là bản thân “Vũ Nương”, thì trong “Mời buồn sang chơi” cũng tương tự. Qua các hình ảnh đút cho cái bóng ăn, tô son cho cái bóng, Rosie đã dần học cách chăm sóc và yêu thương bản thân nhiều hơn.

Rosie mượn văn học đưa vào âm nhạc để tôn vinh phụ nữ Việt - Ảnh 4.

Cách xây dựng MV của Đinh Hà Uyên Thư và Dennis Đặng luôn “đắt giá”

Khi người chồng phát hiện và nghĩ cô đang “ngoại tình”, nếu ở tác phẩm gốc, Vũ Nương phải tìm đến cái kết không hay để chứng minh cho sự trong sạch của mình, thì “Mời buồn sang chơi” gợi về một cái kết có hậu hơn: người chồng nhìn ra rằng, cuộc sống hôn nhân sẽ không thể nào trọn vẹn nếu chỉ có một bên cố gắng săn sóc những điểm khác biệt của đối phương.

Chính vì vậy sau khi chấp nhận, lại là hình ảnh bàn ăn, nhưng lần này không chỉ có 14 tính cách của người chồng, mà còn có Rosie và một nhân cách khác của mình, cái bóng.

Rosie mượn văn học đưa vào âm nhạc để tôn vinh phụ nữ Việt - Ảnh 5.

Một câu chuyện MV hay thời điểm hiện nay

Bằng việc khai thác các hình tượng khác nhau của người phụ nữ qua các tác phẩm văn học, MV “Mời buồn sang chơi” muốn nhấn mạnh vào self-love (yêu bản thân) như một cách để nhắc nhở những người phụ nữ, muốn săn sóc thật tốt cho những người xung quanh, trước tiên, chúng ta phải hiểu và yêu thương chính mình.

Cái kết MV còn giúp người xem liên tưởng về một gợi ý trong hôn nhân: Nếu muốn hôn nhân hạnh phúc, một cặp đôi luôn phải có sự cân bằng và tôn trọng những phần tính cách khác nhau ở đối phương.