• Trang chủ
  • Quốc tế
  • Phong trào nghỉ hưu sớm hết thời, giới trẻ hiện ưa chuộng lối sống ‘Tiết kiệm mềm’

Phong trào nghỉ hưu sớm hết thời, giới trẻ hiện ưa chuộng lối sống ‘Tiết kiệm mềm’

Hãng tin CNBC cho hay xu thế nghỉ hưu sớm của giới trẻ từng rộ lên trong vài năm trở lại đây khi mọi người cố gắng làm việc, tiết kiệm để tự do tài chính nhanh nhất có thể.

Tuy nhiên gần đây, một xu thế trái ngược khác bắt đầu trỗi dậy khi các bạn trẻ dành ít tiền tiết kiệm hơn cho tương lai để chi tiêu cho hiện tại, hay còn gọi là “tiết kiệm mềm” (Soft Saving).

Đặc biệt những bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z (dưới 26 tuổi) là những người tích cực hưởng ứng xu thế tiết kiệm mềm nhất khi coi trọng trải nghiệm cuộc sống hiện tại hơn là nghĩ về tiền bạc cho tương lai.

Đồng quan điểm, báo cáo của Intuit mang tên “Prosperity Index Study” chỉ ra rằng xu thế tiết kiệm mềm của giới trẻ hiện nay được kích thích từ lối sống mềm (Soft Life) vốn thoải mái, ít áp lực và ưu tiên phát triển tính cách lẫn sức khỏe tinh thần bản thân hơn là lo cho tương lai.

Sống chỉ vì hôm nay

Báo cáo của Intuit chỉ rõ rằng lượng tiết kiệm và đầu tư cá nhân của các bạn trẻ sinh sau năm 1997 ít hơn so với những thế hệ sinh trước đó 10 năm. Cụ thể những bạn trẻ này thường dùng tiền theo sở thích của mình hơn là tính toán chi ly lợi nhuận đầu tư.

Khảo sát của Intuit cho thấy giới trẻ ngày nay có quan niệm rất khác so với trước đây về làm việc, tiết kiệm lẫn chi tiêu. Khoảng 3/4 số bạn trẻ Gen Z được hỏi cho biết họ thà có cuộc sống thoải mái ít áp lực hơn là cố kiếm thật nhiều tiền trong tài khoản.

Thậm chí theo Intuit, tỷ lệ lối sống tiết kiệm của người dân Mỹ hiện nay ngày càng nhỏ bé so với xu thế sống chỉ cho hôm nay.

Số liệu của Cục phân tích kinh tế Mỹ (BEA) cho thấy người Mỹ đang tiết kiệm ngày càng ít trong năm 2023.

Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân- phần thu nhập khả dụng mà người dân dành ra để tiết kiệm- đã thấp hơn đáng kể, chỉ đạt 3,9% trong tháng 8/2023 so với mức bình quân 8,51% suốt 10 năm qua.

Một số chuyên gia như Phó chủ tịch Ryan Viktorin của Fidelity Investment nhận định một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tiết kiệm giảm là do tâm lý “tiêu dùng trả thù” hậu đại dịch Covid-19.

Việc thị trường mở cửa đã khiến người tiêu dùng đua nhau mua sắm trở lại sau quãng thời gian dài bị cách ly.

Thế rồi khi lạm phát bùng nổ, người dân dù có hạn chế chi tiêu thì vẫn không muốn tiết kiệm tiền trong ngân hàng vì mất giá. Thay vào đó họ xoay xở để dồn tiền cho nhu yếu phẩm hoặc cắt giảm tiết kiệm cho chi tiêu hiện tại.

Thêm nữa, lạm phát cũng khiến chi phí cuộc sống tăng lên khiến nhiều bạn trẻ chẳng có đủ thu nhập để tiết kiệm.

Tại nhiều nền kinh tế Châu Âu như Anh, những người nghèo buộc phải lựa chọn giữa trả tiền khí đốt sưởi ấm hay lương thực chứ đừng nói đến chuyện tiết kiệm.

Bên cạnh đó, chuyên gia Liz Koehler của hãng tư vấn BlackRock nhận định việc Gen Z bắt đầu phủ sóng thị trường lao động thay thế cho các lớp già về hưu đang khiến quan niệm tiết kiệm dần thay đổi.

Quan điểm tiết kiệm đến từng đồng để nghỉ hưu đang dần bị thay thế bằng quan niệm tiêu dùng hưởng thụ cho hiện tại.

Ngoài ra, tình hình kinh tế gặp thách thức khiến nhiều bạn trẻ gặp khó trong cơ hội làm giàu lẫn xây dựng sự nghiệp cũng khiến xu thế nghỉ hưu sớm không còn được ưa chuộng như trước.

Thay vào đó là kiểu từ bỏ cố gắng, “nằm thẳng” (Lying Flat) như ở Trung Quốc hay tiết kiệm mềm như ở Mỹ.

Mất niềm tin

Báo cáo của BlackRock cho thấy trong năm 2023 có đến 53% số lao động thừa nhận họ đang nghiêng về hưởng thụ cuộc sống hơn là tiết kiệm hết sức cho nghỉ hưu.

Việc thu nhập không được đảm bảo cùng một thị trường đầy biến động, lạm phát cao đã khiến niềm tin vào việc nghỉ hưu sớm bị xói mòn.

Thậm chí khảo sát của BlackRock còn cho thấy có đến 2/3 số lao động Gen Z thừa nhận họ không chắc rằng liệu bản thân có đủ tiền tiết kiệm để nghỉ hưu hay không.

Tất nhiên các khảo sát và nghiên cứu trên cũng chỉ mang tính tương đối khi báo cáo của Trung tâm nghiên cứu hưu trí Mỹ (TCRS) cho thấy gần một nửa số lao động nước này không có ý định nghỉ hưu hoặc sẽ tiếp tục làm việc qua tuổi nghỉ hưu 65.

Nghiên cứu của Intuit cho thấy 47% lao động thuộc thế hệ Millenial (27-42 tuổi) và 40% Gen Z thừa nhận dùng tiền kiếm được để chi tiêu cho các sở thích hay thói quen cá nhân, cao hơn so với 32% của Gen X (43-58 tuổi) và 20% của thế hệ Boomers (59-68 tuổi).

Phần lớn các sở thích của giới lao động trẻ liên quan đến du lịch, giải trí.

Báo cáo của Vanguard cho thấy lượng chi tiêu của Gen Z cho giải trí trong tổng chi đã tăng lên đến 4,4% trong năm 2022 so với 3,3% năm 2019.

Tuy nhiên cũng theo Vanguard, lao động Gen Z không thật sự hoang phí mà chỉ điều chỉnh lại cán cân tiết kiệm, tự xoay sở để sống thoải mái hơn thay vì chỉ làm để nghỉ hưu.

*Nguồn: CNBC