“Thật tuyệt vời khi tôi được trở lại Việt Nam, trở lại thủ đô xinh đẹp”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Nông sản Thực phẩm Canada Lawrence MacAulay vừa nở nụ cười vừa dành lời chào với phóng viên trong chuyến công du tới Việt Nam. Ông MacAulay bật mí rằng ông chọn Việt Nam là nơi công du nước ngoài đầu tiên sau khi được bổ nhiệm và đây đã là lần thứ 2 ông tới Việt Nam.
Chuyến thăm của Bộ trưởng nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada. Ông khẳng định sự hiện diện của ông là để làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao, thúc đẩy giao thương giữa hai nước và mở ra thêm những cơ hội hợp tác lớn.
– Ông đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Canada?
Trước hết, tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia là rất lớn. Khi tôi mới được bổ nhiệm vào cương vị Bộ trưởng Nông nghiệp và Nông sản Thực phẩm lần thứ 2, tôi đã nói với ông Chánh văn phòng Bộ trưởng rằng nơi đầu tiên tôi muốn thực hiện chuyến công du nước ngoài là Việt Nam. Tôi muốn quay trở lại Việt Nam vì đây là thị trường, là đối tác rất tiềm năng và ưu tiên của chúng tôi.
Chúng tôi đã gặp gỡ các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối và kết nối Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA) với các đối tác Việt Nam để đồng hành, hỗ trợ các sản phẩm đạt được chất lượng tuyệt hảo và có thể xuất khẩu toàn cầu. Đó là những nỗ lực mà hai nước đang hợp tác để giúp Việt Nam đạt được danh tiếng và chất lượng trên thị trường.
– Theo ông, nông sản Việt Nam cần điều gì để có thể xuất khẩu sang Canada?
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Đồng thời đang có một tiềm năng mở rộng xuất khẩu Việt Nam sang Canada. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada rất ấn tượng. Năm 2022, giá trị nhập khẩu nông sản và hải sản của Canada từ Việt Nam là 879,2 triệu CAD, chiếm 1,3% tổng nhập khẩu nông sản và thực phẩm toàn cầu của Canada.
Đặc biệt, hạt điều là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Việt Nam, trị giá 108,9 triệu CAD, chiếm 12,4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản và thực phẩm của Canada từ Việt Nam.
Những con số này cho thấy người tiêu dùng Canada rất ưa chuộng các sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt là các loại hạt đã chế biến, cà phê, hạt tiêu. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng và sự tin tưởng của người tiêu dùng, chúng ta cần phải thành lập một cơ quan thanh tra thực phẩm có đầy đủ năng lực và uy tín để thực hiện những yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt.
Cơ quan này sẽ tương tự như mô hình Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA) với uy tín được chứng nhận trên toàn cầu. Từ đó, đôi bên sẽ có những hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ thông tin, giúp nâng cao hiểu biết về các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo thuận lợi cho việc thương mại.
– Trong 50 năm qua, hai nước đã thúc đẩy tốt các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, vậy ở chiều ngược lại, làm sao để số đông người Việt tiếp cận được các sản phẩm của Canada?
Về phía Canada, chúng tôi đang không ngừng học hỏi. Bởi vì chúng tôi cần biết người tiêu dùng Việt Nam cần gì, thói quen ăn uống ra sao, chế biến thực phẩm như thế nào để giới thiệu sản phẩm Canada một cách phù hợp nhất tới người dân Việt Nam.
Vì thế, chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, nhà phân phối để có được những hướng dẫn và thông tin chuyên sâu. Việc chúng tôi cung cấp thực phẩm, đưa ra công thức nấu không quan trọng bằng việc người Việt Nam muốn ăn nó như thế nào.
– Xin ông chia sẻ vai trò của nông nghiệp trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Canada?
Về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Canada, tôi khẳng định nông nghiệp sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược này. Canada sẽ thành lập một văn phòng thúc đẩy nông nghiệp và nông sản thực phẩm ở Manila, Philippines. Kế hoạch này truyền đi tín hiệu rằng Canada không chỉ tới thăm mà còn hiện diện thường trực, lâu dài để đồng hành, hợp tác với các quốc gia trong khu vực.
– Được biết, chính phủ Canada đầu tư hàng tỷ USD cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vậy thì Việt Nam có đóng vai trò nào trong chiến lược này và sẽ được hưởng lợi gì từ chiến lược này thưa ông?
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rất quan trọng đối với Canada, trong đó đặc biệt là Việt Nam. Canada dành sự chú trọng rất lớn đối với Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng cởi mở để hợp tác với Việt Nam trong bất kỳ lĩnh vực nào mà Việt Nam có nhu cầu, chẳng hạn như bảo vệ môi trường, giảm phát thải và tăng cường năng lực thanh tra thực phẩm. Chúng ta còn rất nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian tới.
Tôi cũng xin được nhấn mạnh một lần nữa rằng Việt Nam là thị trường trọng điểm đối với Canada và các doanh nghiệp cũng như tổ chức nông nghiệp của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ thông qua tăng cường thương mại và khám phá thêm các cơ hội hợp tác trong tương lai.