Giám đốc Sở Bảo vệ Động vật hoang dã Sabah, ông Augustine Tuuga, cho hay các kiểm lâm viên phải săn tìm những con cá sấu lớn ở các huyện Kota Belud, Lahad Datu và Tawau – những nơi có người bị cá sấu tấn công.
“Chúng tôi đã bắn hạ 4 con cá sấu ở Kota Belud và 1 con ở Lahad Datu” – ông Tuuga nói hôm 23-10.
Một con cá sấu ở bang Sabah. Ảnh: THE STRAITS TIMES
Ông Tuuga nói thêm có thể những con cá sấu bị bắn hạ không trực tiếp gây ra những vụ tấn công gần đây nhưng chúng vẫn là mối đe dọa đối với người dân.
Trong vài tháng qua, đã có 3 vụ nghi cá sấu tấn công ở 3 huyện khác nhau trong bang Sabah và các nạn nhân đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được tìm thấy.
Vụ đầu tiên là vào ngày 22-9 ở Kota Belud, nạn nhân là Yusri Dulpi, 20 tuổi, mất tích khi đang câu cá tại một cầu tàu ở Mantanani. Cuộc tìm kiếm đã phải dừng lại sau 10 ngày và nạn nhân hiện vẫn chưa rõ tung tích.
Vụ thứ hai diễn ra vào ngày 15-10 ở Lahad Datu, nạn nhân Salim Sakka, 50 tuổi, mất tích khi đang vá lưới câu cạnh bờ sông ở Kampung Sungai Silabukan.
Vụ thứ ba diễn ra ở Twau ngày 19-10, nạn nhân lần này là Asdar, có thể đã bị cá sấu tấn công khi đang đi câu ở một con sông tại Kampung Mas Mas.
Một con cá sấu bị bắt gần đây ở bang Sabah. Ảnh: LUNDU FIRE AND RESCUE DEPARTMENT
Ngày 20-10 ở Sandakan, Lực lượng phòng vệ Dân sự đã bắt được một con cá sấu dài 2 m, nặng 80 kg trên một con kênh ở Taman Megah Lorong Jaya 3.
Với nhiều vụ cá sấu tấn công người trong những năm gần đây, các kiểm lâm viên ở Sabah đã phải rất chật vật giữa việc bảo vệ động vật hoang dã và sự an toàn của cộng đồng ven sông. Họ chỉ buộc phải bắn hạ cá sấu khi chúng trở thành mối đe dọa cho người dân.
Theo báo The Star, các chuyên gia cho rằng các vụ cá sấu tấn công tăng vọt có thể do môi trường sống cũng như nguồn thức ăn của chúng đang bị thu hẹp và giảm sút, đặc biệt là số lượng lợn râu – vốn là con mồi lớn của cá sấu – bị ảnh hưởng bởi bệnh tả lợn châu Phi.