Có thể thấy, suốt thời gian qua, mặc dù các chủ đầu tư đã nỗ lực để đưa sản phẩm và các chương trình ưu đãi chưa từng có ra thị trường nhưng sức cầu chưa cải thiện rõ nét. Giao dịch chỉ xuất hiện ở một số chủ đầu tư có thương hiệu trên thị trường. Trong khi nhìn tổng thể, tỉ lệ hấp thụ bất động sản vẫn ở mức rất thấp.
Ở một số dự án có giao dịch chủ yếu đến từ nhà đầu tư mua thêm, hoặc những người có tích trữ thực sự tốt. Thị trường không còn tình trạng mua ở hay đầu tư “đại trà” như trước đây.
Tiếp xúc với những người trẻ, gia đình trẻ chưa có nhà nhận thấy, họ không đủ khả năng để chi trả cho việc mua nhà ở thời điểm này. Trong khi đây là đối tượng có mưu cầu về chốn an cư rất lớn tại các đô thị.
Vợ chồng chị M, có 1 con nhỏ hiện đang ở trọ tại một căn hộ thuộc quận 9 (Tp.HCM) với giá thuê 6 triệu đồng/tháng. Dù rất muốn có căn nhà riêng nhưng điều này trở nên khó khăn thực sự với vợ chồng chị. Thậm chí, khi hỏi về dự định mua nhà trong vòng 2-3 năm tới, chị M chia sẻ: “Hiện tại, gia đình đang lo ăn từng bữa nên chưa biết khi nào mới mua được nhà. Tiền ăn giờ không đủ, lấy tiền đâu mua bất động sản”.
Dù có thu nhập ở mức khá so với nhiều gia đình khác (35 triệu đồng/tháng cho cả hai vợ chồng) nhưng chị M cũng chỉ đủ gói gọn trong chi tiêu cuộc sống và chăm sóc con nhỏ. Việc tích luỹ gần như bằng 0. Chính vì không có tích luỹ nên dù biết có nhiều chương trình hỗ trợ mua nhà, ưu đãi tốt nhưng chị M cũng đành “gác giấc mơ”. Theo chị M, trong bối cảnh này chỉ mong đủ ăn và không rơi vào cảnh thất nghiệp như nhiều người đã là may mắn, chuyện mua nhà dù rất muốn nhưng không thể thực hiện.
Tương tự, một đôi vợ chồng trẻ, hiện là dân văn phòng làm việc tại khu trung tâm Tp.HCM cũng rơi vào tỉnh cảnh: Rất muốn mua nhà nhưng không đủ tài chính. Được biết, hai vợ chồng này đang có ý định mua chung cư trả góp nhưng hiện tích luỹ ban đầu chưa được 10% so với giá căn hộ muốn mua.
Nếu mua căn hộ, họ phải vay mượn thêm người thân và ngân hàng từ 80-90%. Việc trả nợ đối với hai vợ chồng là rất “đuối”. Chưa kể, hiện thu nhập của cả hai đã giảm sút gần 20% so với giữa năm 2022.
Trường hợp những gia đình trẻ khó sở hữu chốn an cư đang diễn ra ngày càng nhiều trên thị trường bất động sản. Nhu cầu cao nhưng tài chính hạn hẹp khiến nhiều người không thể mua nhà. Khả năng tích luỹ từ công việc làm thêm khác như trước đây cũng không dễ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Khách hàng có công việc và thu nhập ổn định vẫn khó mua bất động sản vì giá nhà cao, thu nhập giảm. Với những người thu nhập trung bình càng trở nên khó khăn hơn. Họ loay hoay với “cơm áo gạo tiền”, lo ăn từng bữa. Giấc mơ về một tổ ấm riêng rất xa vời.
Thị trường bất động sản thời gian qua sức cầu ì ạch một phần đến từ việc người mua không có tiền để mua bán nhà đất, nhất là trong bối cản kinh tế khó khăn chung. Ngay cả khi giá bất động sản đang có xu hướng giảm rõ nét so với giai đoạn trước nhưng sức mua vẫn không cải thiện.
Hiện nay, với thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng, người mua nhà phải chấp nhận đi thật xa vùng Tp.HCM để tìm nhà giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn. Tuy vậy, dù đi xa nguồn cung vẫn rất hạn hẹp.
Nhiều người cho rằng “tiền trong dân còn rất lớn”. Thời gian qua, dòng tiền người dân gửi ngân hàng liên tục tăng cao. Thực tế, đó phần lớn là những người đã có nhà ở, thậm chí là có nhiều bất động sản. Họ có xu hướng bảo toàn dòng tiền ở ngân hàng thay vì nghĩ đến việc bỏ tiền mua thêm bất động sản lúc này. Trong khi, người chưa có nhà đi tìm mua bất động sản lại chiếm tỉ lệ rất ít. Họ là những người có nhu cầu thực sự về chốn an cư lại không đủ khả năng chi trả. Đây chính là “vòng luẩn quẩn” mà thị trường địa ốc đang đối diện.
Chia sẻ mới đây, một chuyên gia trong ngành đã chỉ ra, hiện tất cả đối tượng mua tham gia thị trường đang gặp vấn đề chi trả là lý do bất động sản chưa thể hồi phục sức cầu dù nhiều biện pháp được đưa ra.
Vị này nhấn mạnh, với nhóm mua bất động sản để đầu tư đang bị ảnh hưởng nặng nề do lợi nhuận đầu tư giảm, hiện hết tiền. Dù gần đây, thị trường xuất hiện các nhóm đi săn hàng ngộp nhưng số lượng rất ít, không đại trà như thời điểm trước. Với nhóm mua để ở đang gặp vấn đề về khả năng chi trả. Nhóm mua để tích sản dù có khả năng tài chính nhưng lại không vội mua bất động sản lúc này, và thực tế số lượng khách mua thuộc nhóm này cũng khá ít.
“Sự thật, hiện rất nhiều người không có tiền để mua bất động sản chứ không phải họ có mà không mua. Người có tiền nhưng chưa mua bất động sản chiếm tỉ lệ không nhiều. Từ nay đến cuối năm còn 2 kỳ trả lương nhưng nhiều người đi làm chưa chắc đã nhận được 2 kỳ vì doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn. Vì thế, ngay cả việc đi thuê nhà cũng khiến nhiều người đắn đo, chưa nói đến việc mua nhà. Những khó khăn kinh tế kéo dài đã khiến nhiều bên mua không thể có tài chính để tham gia thị trường đều đặn như trước đây. Do đó, bức tranh toàn thị trường nhìn chung vẫn khá ảm đạm”, vị này nhấn mạnh.