Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) mới đây đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Đáng chú ý Cục C06 cho biết quá trình phối hợp với bưu điện, Bộ Công an đang tham mưu giải pháp minh bạch thị trường bất động sản thông qua kế hoạch định danh số nhà.
Việc định danh số nhà nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị số 13 về lập lại trật tự, khắc phục những bất cập với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải.
Hiện, cách thức định danh số nhà chưa được công bố. Hai tháng trước, từ 15/8, Bộ Công an đã lần đầu tiên áp dụng định danh với biển số xe (biển số định danh). Theo đó, việc cấp và quản lý biển số ôtô, xe máy sẽ theo số căn cước công dân của chủ xe.
Từ năm 2006, Bộ Xây dựng đã quy định nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và trong ngõ theo thứ tự 1, 2, 3… Nhà bên trái lấy số lẻ 1, 3, 5… Nhà bên phải lấy số chẵn 2, 4, 6… Chiều ghi số nhà từ nhỏ đến lớn theo hướng bắc xuống nam, đông sang tây, đông bắc sang tây nam, đông nam sang tây bắc.
Căn hộ chung cư cũng được đánh theo dãy số tự nhiên, trong đó hai chữ số hàng chục và đơn vị ghi số căn hộ, hai chữ số hàng nghìn và trăm chỉ số tầng.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc đánh số nhà ở nhiều nơi, nhất là nhà trong ngõ tại Hà Nội và Tp.HCM không theo quy tắc, gây khó khăn. Trong Nghị quyết ngày 4/10, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Công an phối hợp với Bộ Xây dựng thống nhất cách ghi số nhà. Bộ Xây dựng rà soát quy chuẩn nhà ở riêng lẻ, chung cư, trong đó có vấn đề phòng cháy, chữa cháy để khắc phục bất cập hiện nay, đảm bảo an toàn cho người dân.
Mặc dù chưa cụ thể mục đích, cách thức sâu xa của định danh số nhà, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc này có thể là tiền đề để “đánh thuế bất động sản thứ 2”.
Liệu định danh số nhà liên quan gì đến đánh thuế bất động sản thứ hai hay không, ông Lê Minh Đức, Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Remaps đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Theo ông Đức, việc định danh số nhà với đánh thuế bất động sản thứ hai không liên quan với nhau. Bởi vì, bất động sản bao gồm, hoặc là đất, hoặc đất + nhà. Nếu bất động sản có nhà thì mới có số nhà, còn bất động sản chỉ có đất thì sẽ không có số nhà. Điều này sẽ mâu thuẫn, vì đánh thuế bất động sản thứ 2 là đánh thuế nhà? còn nếu bất động sản chỉ có mỗi đất (hoặc chưa được cấp số nhà) thì không đánh thuế?
Cùng với đó, định danh này nếu đúng với thuế bất động sản thứ hai không thay đổi bản chất của bất động sản. Khác với định danh biển số xe, là thay đổi hẳn bản chất của cái biển số, biến biển số thành tài sản gắn liền với 1 cá nhân, tách biệt với cái xe. Còn nếu định danh số nhà thì lại tách biệt cái nhà với cái số nhà là điều vô lý. Còn gắn chung thì lâu cũng thế có khác gì bản chất đâu.
“Tóm lại, định danh số nhà mà liên hệ với thuế bất động sản thứ 2 thì thấy không có sự gắn kết. Vì không cần định danh số nhà thì vẫn đánh thuế bất động số 2 được. Tuy nhiên, để đánh thuế được bất động sản số 2 trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì cực kỳ rắc rối và phức tạp”, ông Minh Đức nhấn mạnh.
Hiện nay, Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường là hai cơ quan quản lý Nhà nước chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở, mục tiêu là đánh số cụ thể đến từng ngôi nhà, từng căn hộ hay thửa đất theo quy luật thống nhất. Từ quy luật đó, Bộ Công an thu thập cơ sở dữ liệu về số nhà, cộng với thông tin thu thập từ UBND các cấp, trên nguyên tắc chuẩn hóa số liệu để định danh số nhà.
Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu xây dựng dự án luật Thuế bất động sản, trong đó có nghiên cứu về thuế đối với nhà ở thứ hai, thuế đối với nhà, đất bỏ trống. Dự án luật Thuế bất động sản, dự kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).