Thời gian qua, nền kinh tế Mỹ đã trải qua nhiều biến động. Lãi suất cao, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt mức 5% kể từ năm 2007. Mặc dù so với lịch sử của nền kinh tế, đây không phải mốc đỉnh điểm nhưng cũng là một bước chuyển lớn so với mức dưới 1% trong hầu hết năm 2020.
Chúng ta đã chứng kiến hai đợt bùng nổ kể từ khi lãi suất bắt đầu tăng mạnh vào năm 2022. Ở Mỹ, đợt tăng đột biến này là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của các ngân hàng khu vực vào đầu năm nay. Các quỹ hưu trí của Anh sử dụng nhiều đòn bẩy cũng đã bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn một năm trước. Trong cả hai trường hợp, chính phủ đều đã can thiệp để ngăn chặn vấn đề lan rộng.
Trong lịch sử, có thể nói rằng những thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra “điều gì đó bất ổn” trên thị trường tài chính. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 về việc tăng lãi suất ở 17 quốc gia phát triển trong hơn 150 năm qua đã kết luận rằng: “việc tăng lãi suất sau một loạt đợt cắt giảm (hoặc lãi suất thấp trong thời gian dài) làm tăng đáng kể nguy cơ khủng hoảng”.
Đôi khi “mối liên hệ nguyên nhân-kết quả” giữa lãi suất tăng và khủng hoảng tài chính rất rõ ràng. Dưới đây là một số ví dụ lịch sử.
Cuộc khủng hoảng Tiết kiệm và Cho vay (S&L) năm 1980
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED tăng lãi suất để chống lạm phát vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 đã gây ra thiệt hại không hề nhỏ cho hệ thống tài chính. 747 trong số 3.234 tổ chức tiết kiệm và cho vay sụp đổ. Tổng thiệt hại dự kiến để bù đắp cho cuộc khủng hoảng này giao động trong khoảng 500 tỷ USD.
Cụ thể, cuối những năm 1970, để hạ nhiệt lạm phát, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất ngắn hạn, với lãi suất trên 15%. Thời điểm đó, Hiệp hội Tiết kiệm và Cho vay (S&L) vận hành giống như ngân hàng, nhưng chuyên nhận tiền gửi tiết kiệm và cho vay thế chấp. Vào những năm 1980, các S&L bắt đầu thực hiện các khoản đầu tư rủi ro bằng tiền của người gửi tiền và thu về lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên đến khi FED tăng lãi suất, S&L đã thua lỗ nặng nề, những người đi vay khó có thể trả nợ và thất bại kéo dài đến đầu những năm 1990. Một kịch bản tương tự cũng đã xảy ra với ngân hàng First Republic và Silicon Valley Bank vào đầu năm nay.
BLACK MONDAY
Ngày thứ Hai đen tối xảy ra vào ngày 19/10/1987, khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 22% trong một ngày. Sự kiện này đánh dấu điểm khởi đầu của sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kiện này. Có thể kể đến sự ra đời của các hệ thống giao dịch trên máy tính. Việc chuyển sang giao dịch trên máy tính cho phép hoạt động giao dịch diễn ra nhanh hơn, khi các hệ thống có khả năng đặt hàng nghìn lệnh trong vài giây. Và nó cũng tạo ra tốc độ di chuyển giá lớn. Tổng khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch cao đến mức các máy tính thời điểm đó không có khả năng xử lý lượng giao dịch cao đột ngột. Các lệnh không được thực hiện trong nhiều giờ và việc chuyển các khoản tiền lớn đã bị trì hoãn.
Nhưng lãi suất và thị trường tiền tệ cũng là nguyên nhân quan trọng. Đồng đô la đã suy yếu so với đồng Mark Tây Đức, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm tăng vọt lên 10% từ mức 7,5% trong tháng 3. Khi lãi suất tăng cao, giá cổ phiếu có xu hướng giảm.
Năm 1994
FED đã khiến thị trường bất ngờ khi bắt đầu nâng lãi suất lại vào năm 1994. Nó đã tạo ra đà giảm tồi tệ nhất tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp kéo dài trong 2 thập kỷ.
Chưa hết, đợt tăng đó đã gây ra việc hạ giá đột ngột của đồng peso Mexico, từ đó dẫn tới khủng hoảng kinh tế Mexico 1994. Khủng hoảng tại Mexico cũng đã lan ra nhiều nước khác. Một số quốc gia Nam Mỹ báo cáo rằng nội tệ mất giá mạnh và dự trữ giảm mạnh. Nhiều nền kinh tế mới nổi ở châu Á cũng bị rút vốn.
Cuộc khủng hoảng dotcom năm 2000
Vào thập niên 1990, thị trường chứng khoán Mỹ “sục sôi” bởi kỷ nguyên của những công ty Internet. Các dotcom được lập ra bắt đầu từ năm 1996. Đến năm 1999, dotcom xuất hiện nhiều gần như hàng ngày. Thời kỳ 1997-1999, tất cả những gì có liên hệ đến Internet đều được các nhà đầu tư săn lùng. Họ đổ xô mua cổ phiếu các dotcom với niềm tin sẽ thu lợi gấp hàng trăm lần sau này mà bỏ qua những thua lỗ hiện tại.
Tuy nhiên, mọi thứ không phải “giấc mơ” – không phải công ty công nghệ nào cũng trở thành một Microsoft như nhiều nhà đầu tư nhỏ vẫn tin tưởng. Tính từ tháng 12/1999, đã có gần 22.300 dotcom đóng cửa, theo báo cáo của tập đoàn tư vấn nhân lực Challenger Gray & Christmas Inc.
Có nhiều nguyên nhân gây ra sự kiện này nhưng sự thật là Fed cũng đã tăng lãi suất sáu lần từ tháng 6 năm 1999 đến tháng 5 năm 2000. Lần cuối cùng trong số đó là nửa điểm phần trăm và lên 6,5%. Lãi suất giảm xuống 1% vào năm 2003, tạo tiền đề cho gần hai thập kỷ lãi suất hầu như ở mức thấp.
Tham khảo The Wall Street Journal