Thầy giáo làng

Mới đây, tôi may mắn được dự một buổi họp lớp đặc biệt. Đặc biệt vì học trò là những cụ ông, cụ bà xấp xỉ tuổi 80, con cháu đầy đàn. Họ gặp nhau để bàn việc lưu giữ ký ức về một người thầy đã dạy dỗ họ nên người ngót 70 năm về trước. Nhìn ai nấy sôi nổi đóng góp ý kiến, tôi nghĩ chắc hẳn người thầy phải có danh tiếng, có nhiều bằng khen, phần thưởng lớn. Nhưng không, ông chỉ là một thầy giáo làng ít người biết.

Trẻ nghèo đến trường

Năm 1955, thầy Lâm Bá Nhạc – tên gọi thân mật là thầy Năm Nhạc – mở một ngôi trường nhỏ trên quê hương của ông – ấp Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Thầy đặt tên trường là Nhạc Thanh. “Nhạc” là tên thầy, ghép với “Thanh” là bí danh của thầy thời còn hoạt động kháng chiến.

Thầy giáo làng - Ảnh 1.

Thầy Lâm Bá Nhạc (giữa) trong một buổi gặp lại các học trò cũ, trong đó có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (ngồi thứ 3 từ phải sang)

Trường dạy các lớp bậc tiểu học. Đó là một ngôi trường làng đúng nghĩa, vì cơ sở trường chính là ngôi nhà của thầy bằng tranh tre lá nứa, lại chỉ có người thầy duy nhất là thầy Năm Nhạc. Học trò chủ yếu là con em nghèo trong làng không có điều kiện đi học các trường lớn ở xa.

Thầy giáo làng - Ảnh 2.

Ông Phan Hồng Chiến, nguyên Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (bên phải), đến thăm thầy Năm Nhạc

Cô Lê Thị Vân, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, là một trong những “cô, cậu” học trò ấy. Cô kể: “Trường học chỉ là chái nhà của thầy Năm. Bàn ghế học trò là những tấm ván kê lại. Vậy mà nơi đó nuôi lớn bao ước mơ của tuổi thơ tôi”.

Nhà cô Vân hồi đó nghèo, lại đông anh em. Cô là con gái nên không được đi học, ở nhà coi trâu. Trường thầy Năm ở cách nhà cô chỉ mấy cái sân vườn. Từ khi trường mở, cô thường chạy tới núp coi thầy dạy, thích lắm!

“Sau đó, thầy Năm mở thêm lớp bình dân học vụ học vào ban đêm. Biết hoàn cảnh của tôi, thầy qua nhà xin với cha má tôi cho tôi đi học, không ảnh hưởng đến việc coi trâu của tôi” – cô Vân nhớ lại.

Từ đó, đêm đêm cô Vân xách đèn dầu đến lớp. Lời dạy của thầy Năm theo thời gian thấm dần, hình thành trong lòng cô một tình yêu quê hương, một cách sống vì lẽ phải lúc nào không hay.

Nhờ có ngôi trường ấy, nhiều trẻ nghèo trong vùng được đi học. Không những vậy, các trò có hoàn cảnh khó khăn còn được thầy Năm miễn phí và cho ở nhờ trong nhà.

Ông Nguyễn Văn Chí – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM, một cựu học sinh – nhớ lại: “Tôi may mắn học trường này ngay từ ngày thầy Nhạc mở lớp đầu tiên. Đặc biệt, như vài bạn khác, tôi còn được trú ngụ, ăn ở tại nhà thầy. Sau này, tôi mới biết thầy ưu tiên dành cho tôi điều này vì ba tôi lúc đó là cán bộ thoát ly tham gia kháng chiến, nhà tôi thuộc diện nghèo, neo đơn”.

Tiếng lành đồn xa

Nhưng có lẽ nét độc đáo nhất nơi người thầy giáo làng là phương pháp sư phạm hiệu quả và toàn diện. Nói nôm na là dạy giỏi, cả dạy chữ lẫn dạy người.

Nói về phương pháp dạy học của thầy Năm Nhạc, ông Võ Thuận Vững, nguyên cán bộ Sở Giao thông Vận tải TP HCM, tỏ ra tâm đắc: “Một mình thầy đảm trách tất cả các môn học, mà môn nào thầy dạy cũng hay, dễ tiếp thu. Trình độ học trò không đồng đều nhưng chỉ một thời gian, thầy kéo những trò kém lên, thậm chí đạt khá hoặc giỏi. Đúng là biệt tài của thầy!”.

Ông Phùng Lạc Minh, nguyên cán bộ Sở Văn hóa – Thông tin TP HCM, bổ sung: Ở huyện Củ Chi vào thời đó, bậc trung học chưa có trường công mà chỉ có một trường tư thục là Minh Tân. Vì vậy, để chuẩn bị thi vào đệ thất (lớp 6 bây giờ), học trò trường Nhạc Thanh chia làm 2 nhóm. Một nhóm về Sài Gòn thi vào Trường Pétrus Ký, nhóm kia qua Bình Dương thi vào Trường Trịnh Hoài Đức.

“Năm 1957, tôi cùng các bạn thi vào Trường Trịnh Hoài Đức đều đậu, trong đó bạn Hồ Văn Thủy đậu thủ khoa” – ông Minh kể.

Theo chí hướng thầy

Thầy Năm Nhạc không chỉ là người thầy mà còn là người cha. Ông Phùng Lạc Minh bồi hồi: “Năm 1957, tôi học lớp nhứt (lớp 5 bây giờ), chuẩn bị đi thi tiểu học. Hồ sơ dự thi phải có giấy khai sinh mà tôi thì không có. Hồi đó phần vì chiến tranh, phần vì đói nghèo nên cha mẹ không làm giấy khai sinh cho tôi. Trong lúc tôi bối rối thì thầy Năm đứng ra lo liệu. Thầy tới tòa án Biên Hòa cùng một người khác mà thầy nhờ để đủ 2 người làm nhân chứng xin lập án thế vì giấy khai sinh. Kết quả, năm đó tôi có giấy khai sinh, kịp thi tốt nghiệp tiểu học và đậu vào trường trung học công lập Trịnh Hoài Đức. Chính thầy đã làm thay đổi cuộc đời tôi!”.

Thầy và trò trường Nhạc Thanh đang có những tháng năm tươi đẹp dệt mơ ước của mình thì một hôm, thầy Năm Nhạc bị bắt khi đang dạy học. Cô Lê Tuyết Mai, nguyên giáo viên Trường Tiểu học An Phú Đông, kể: “Một hôm đang ngồi học, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh thầy bị bắt. Thầy đang dạy thì bọn lính xông vào còng tay dẫn đi. Chúng tôi đồng loạt kêu gào, khóc lóc, ra sức ngăn cản nhưng đành bất lực”.

Nói về việc thầy Năm Nhạc bị bắt, ông Nguyễn Minh Triết – nguyên Chủ tịch nước, một học trò của thầy – nhớ lại: “Thầy Năm Nhạc bị bắt vì hoạt động cách mạng. Thật đau lòng nhưng không bất ngờ. Bởi từ lâu, lớp học trò chúng tôi thầm hiểu thầy là người của cách mạng. Chúng tôi càng yêu kính thầy nhiều hơn. Chúng tôi cố gắng học tốt và đi theo chí hướng của thầy…”.

Ông Nguyễn Minh Triết sau này thi đậu vào Trường Trung học Pétrus Ký, học lên đại học rồi thoát ly tham gia cách mạng.

Nếm trải lao tù

Một người thầy có rất nhiều học trò thành đạt như vậy hẳn phải có gì rất đặc biệt. Điều đó thôi thúc tôi phải ghé thăm thầy.

Sân nhà vắng vẻ. Thầy Năm ở cùng anh con trai út khoảng 50 tuổi. Thầy chống gậy bước ra tiếp khách. Năm nay thầy 96 tuổi, đã yếu nhiều. Chỉ khoảng sân bên cạnh, thầy nói: “Hồi trước, trường Nhạc Thanh ở đây, nay chỉ còn lại cái nền. Năm 1966, Mỹ mở trận càn qua đây và ngôi trường bị san phẳng”.

Tôi hỏi về thời gian thầy bị đày đọa sau khi bị bắt. Thầy Năm cười hiền lành: “Tôi bị giải về bót cảnh sát Hóc Môn, rồi chuyển về trại giam Hòa Hưng. Tôi bị đánh đập, tra khảo nhưng không khai, chỉ một mực kêu oan bị bắt nhầm. Chúng đưa tên một số học trò của tôi đi thoát ly hỏi có biết những người này không, tôi nói không biết. Chúng bèn đưa cán bộ của mình bị bắt cho tôi nhìn mặt. Tôi rất lo vì sợ người cán bộ kia nhận ra mình. Nhưng may quá, tôi và người cán bộ đều nói không quen biết. Không khai thác được gì nhưng chúng giam tôi gần 3 năm mới thả, từ đầu năm 1960 đến 1962”.

Về nhà, việc đầu tiên của thầy Năm là tìm danh sách học trò đem đốt, vì nếu để lọt vào tay địch thì hết sức nguy hiểm cho tính mạng của trò lẫn thầy. Sau đó, qua giới thiệu của một cán bộ hoạt động nội thành, thầy tiếp tục nhiệm vụ dạy học hợp pháp tại Trường Tiểu học Chim Xanh, quận 11, cho đến ngày đất nước thống nhất.

Ông Phan Hồng Chiến, nguyên Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trải lòng: “Năm nay tròn 96 tuổi, thầy Năm Nhạc đang sống ở quê nhà, ngay trên mảnh đất mà gần 70 năm trước thầy đã cất ngôi trường Nhạc Thanh. Vào dịp lễ, Tết hoặc ngày nhà giáo, có học trò, con cháu về thăm, ngôi nhà đông vui, ồn ã trong thoáng chốc. Còn lại phần lớn là những tháng ngày lặng lẽ. Thầy đang sống với người con trai út chưa có gia đình riêng. Tôi hết sức biết ơn và kính trọng thầy Lâm Bá Nhạc. Cá nhân tôi tự thấy còn nợ thầy điều gì đó khó nói ra, khó gọi tên”.

Một người thầy dám đánh đổi cả gia sản, tính mạng và tương lai của mình cho sự nghiệp trồng người như thầy Năm Nhạc xưa nay không phải là nhiều, nếu không muốn nói là hiếm. Với những hy sinh và cống hiến ấy, tôi cứ nghĩ ông xứng đáng được nhận những phần thưởng cao quý nhất cùng các chế độ đãi ngộ đặc biệt. Nhưng không, từ ngày nghỉ hưu, ông về làm một người dân bình thường, sống thanh thản, lạc quan, không màng danh lợi.

Thầy Năm Nhạc là vậy. Cả lúc đã nghỉ hưu, ông vẫn để lại cho đời một bài học về lẽ sống. 

Ông NGUYỄN MINH TRIẾT, nguyên Chủ tịch nước: Mãi mãi yêu kính thầy

Nhìn lại cả cuộc đời, thầy đã dạy dỗ, dìu dắt lớp học trò để dâng cho đời bao cây lành, trái ngọt. Có được thành quả ấy, ngoài công sức lao động, sự miệt mài của thầy là cả lòng yêu nước, yêu nghề, là cái tâm trong sáng vì các thế hệ cháu con…

Thầy Năm ơi, dù tuổi tác chất chồng nhưng hãy còn đây những cậu bé, cô bé hồn nhiên trong sáng của trường Nhạc Thanh ngày nào; còn đây nỗi rưng rưng tìm về với chính mình bên ngôi trường cũ. Chúng em mãi mãi yêu kính thầy, mãi mãi biết ơn thầy và mong thầy trường thọ!

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Thầy giáo làng - Ảnh 4.