Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung nhằm quản lý báo chí, truyền thông trong môi trường truyền thông số một cách kịp thời và hiệu quả. Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP HCM, cần xây dựng môi trường pháp lý cho nền báo chí truyền thông kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, cơ chế để báo chí được tác nghiệp đúng theo luật định để đáp ứng nhu cầu thông tin những vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Bởi lẽ, tình trạng đóng cửa với báo chí, hoặc làm khó báo chí vẫn còn không ít, thậm chí nhiều cơ quan cản trở quyền tác nghiệp của báo chí nhưng rất ít khi bị xử lý…
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu tại hội nghị chiều 27-10
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, báo chí đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc làm sai lệch bản chất của sự việc.
Cũng theo ông Lợi, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đề xuất, kiến nghị kịp thời các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về báo chí và pháp luật liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, phát huy tối đa lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin xã hội.
Sáng cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số.