Người thầy “đưa trường học đến với thí sinh”

Sự nhiệt tình, năng nổ, hoạt bát, dí dỏm đã tạo nên “thương hiệu cá nhân” của thầy Trần Đình Lý.

Người thầy “lắm trò”

Tôi biết đến TS Trần Đình Lý từ giữa năm 1997 nhờ một cơ duyên đặc biệt. Lúc đó, tôi phụ trách mảng tư vấn khoa học của Báo Khoa học và Đời sống – cơ quan thường trực phía Nam. Thầy Lý khi ấy là giảng viên Khoa Kinh tế kiêm Thư ký hiệu trưởng nên là người giúp chuyển các câu hỏi từ bạn đọc của báo đến các chuyên gia khoa học của trường để trả lời.

Tôi nhớ mãi hình ảnh người thầy trẻ năng động, làm việc chuyên nghiệp và gửi phản hồi rất đúng hẹn. Suốt nhiều năm, các câu trả lời của chuyên gia cho báo chưa bao giờ chậm. Khi nhận được câu trả lời, tôi hỏi: “Sao thầy nhờ được nhanh vậy?”. Với giọng quê hương Quảng Bình, thầy trả lời chắc nịch: “Làm ở môi trường giáo dục phải vậy chứ, đưa tri thức đến nông dân mà chậm, ai chơi!”.

Năm 2007, thầy Lý giữ cương vị Trưởng Phòng Công tác sinh viên kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp của trường. Trên cương vị mới, thầy không chỉ là nhịp cầu kết nối tri thức giữa sinh viên với nhà khoa học của trường, của ngành mà còn kêu gọi vận động các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước đồng hành cùng những hoạt động mang lại lợi ích cho sinh viên.

Thầy Lý được ví là “cha đẻ” của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp cũng như CLB Kết nối thành công của trường – đều được ra đời năm 2007 nhằm đón đầu chủ trương lớn của ngành GD-ĐT là đào tạo theo nhu cầu xã hội (năm 2008). Thầy có vai trò quan trọng giúp gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Mùa hè năm 2008, tôi đi cùng thầy Lý thăm chiến sĩ mùa hè xanh của trường đang tham gia tình nguyện ở các buôn làng, bản xa của tỉnh Gia Lai. Chuyến đi cũng nhằm kết nạp đảng viên mới của trường.

Tây Nguyên những ngày hè do ảnh hưởng bão nên mưa dầm dề, rồi nước suối đổ xuống khiến ngập đường vào buôn làng, đoàn xe cũ kỹ của trường lúc đó không thể nào nhích bánh được. Thầy trò cứ sợ phải ngủ lại trong rừng vì trời tối không tìm ra xe kéo. Nhưng thầy Lý nhanh trí bảo mọi người đi mượn cuốc, rựa của mấy người dân tộc thiểu số đang làm rẫy gần đấy để chặt cây, xẻ đường cho nước thoát rồi đẩy xe qua. Khi có dụng cụ, thầy cũng nhảy xuống xắn tay cùng thành viên trong đoàn đào đường, chặt cây. Cuối cùng xe qua được, các tài xế mừng rỡ, tâm sự: “Thầy Lý làm việc hòa đồng lắm, không kiểu cách đâu, sinh viên rất quý”.

Dù thời tiết xấu nhưng các thầy cô vẫn lăn xả đến đủ các điểm có sinh viên của trường tham gia chiến dịch. Tại các điểm đóng quân, sự hoạt bát, lém lỉnh của thầy luôn đem đến tiếng cười cho các bạn trẻ.

Người thầy “đưa trường học đến với thí sinh” - Ảnh 1.

Người thầy “lắm trò”: được nhiều học trò thương yêu và lắm “chiêu” để dìu dắt, nâng đỡ họ

Người thầy “đưa trường học đến với thí sinh” - Ảnh 2.

Hạnh phúc của thầy là được sẻ chia, dìu dắt các bạn trẻ

Tôi vẫn còn nhớ như in lúc đó là lần đầu tiên kết nạp Đảng cho đoàn viên sinh viên tại mặt trận các huyện Mang Yang – Đak Đoa của Gia Lai. Các con số rất dễ nhớ: kết nạp Đảng cho 8 đoàn viên vào ngày 8-8-2008, có 8 đồng chí bí thư tham dự, gồm 2 bí thư Thành ủy (TP HCM) và Tỉnh ủy (Gia Lai), 2 Bí thư Thành đoàn và Tỉnh đoàn, 4 bí thư chi bộ… Nhiệm vụ của chuyến đi đã hoàn thành, kết nạp Đảng cho 8 đoàn viên ở 8 chi bộ… 

Thầy Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng trường – đi cùng đã nhận xét: “Thầy Lý lắm trò, sinh viên và bà con, các em vùng quê thích là phải rồi”. Nghe mọi người trêu, “người thầy lắm trò” cười tươi: “Làm nghề giáo mà, tài sản của mình lớn nhất là có lắm trò đó!”

20 năm nối nhịp cầu tri thức

Tôi có được những chuyến đi khó quên nhờ mối duyên với “nông lâm”. Còn nhớ, năm 2005, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM chuẩn bị kỷ niệm tròn 50 tuổi. Tôi được mời đi cùng thầy Lý và ban giám hiệu trường về miền Tây tìm gặp các thầy hiệu trưởng cũ của trường để viết về các thầy cho kỷ yếu 50 năm thành lập trường.

Chuyến đi vất vả nhưng thành công ngoài mong đợi. Đoàn tìm gặp lại được những hiệu trưởng cũ của trường. Tất cả cũng nhờ sự kết nối, giữ quan hệ tốt của nhà trường làm cho tình thầy trò thắm đượm thêm. Trong câu chuyện về trường, các thầy cùng có chung ước mơ đưa thương hiệu “Nông Lâm” lan tỏa xa và được các thầy gửi gắm vào những người trẻ như thầy Lý – người kế thừa trẻ năng động.

Một kỷ niệm khó quên khác là thời điểm thầy Lý được phân công phụ trách nội dung thực hiện Kỷ yếu 50 năm của trường, cũng là lúc mẹ thầy hấp hối. Lúc đó, thầy vừa lo công việc thực hiện kỷ yếu vừa phải bay về quê mấy lần thăm mẹ. Nhưng cuối cùng, giây phút người mẹ yêu quý  lâm chung (11-11-2005) thì thầy lại không cạnh bên vì đang đi công tác.

Năm 2019, TS Trần Đình Lý được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và phụ trách Phân hiệu Ninh Thuận của trường với nhiều thách thức khi mô hình phân hiệu của trường đại học còn nhiều cái mới.

Ở cương vị quản lý, công việc của TS Lý bận rộn hơn. Không còn thời gian nhiều cho các hoạt động phong trào nhưng thầy chọn con đường khác, là làm người nối nhịp cầu tri thức cho bạn trẻ vào con đường đại học.

TS Trần Đình Lý gần như tham gia đủ các đợt tư vấn tuyển sinh của trường và các hoạt động tư vấn tuyển sinh chung cho các mùa tuyển sinh năm học mới do các cơ quan báo chí tổ chức. Nhờ khả năng chia sẻ dí dỏm lôi cuốn bạn trẻ nên buổi tư vấn tuyển sinh có thầy tham gia ở các vùng sâu, vùng xa luôn sinh động, thu hút nhiều câu hỏi của các bạn trẻ. TS Trần Đình Lý cũng là người được ví là người đặt nền móng cho việc “ăn cơm nhà nhận bằng đại học”.

Thấu hiểu với học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số thì thông tin về ngành nghề, về các trường ĐH càng hạn chế nên thầy Lý đã trọn vẹn trên 20 năm sát cánh cùng “Đưa trường học đến thí sinh” – một chương trình lớn của Báo Người Lao Động – đến những nơi xa xôi. Các em học sinh ở đó rất cần, rất khát thông tin của các trường, của ngành… Nhờ chương trình này, học trò ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đã biết đến các trường đại học, trong đó có Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhiều hơn. Không chỉ đưa thông tin hướng nghiệp giúp các bạn trẻ mà qua đó, TS Trần Đình Lý còn giúp thương hiệu “Nông lâm” lan tỏa sâu rộng qua các vùng miền.

Người thầy “đưa trường học đến với thí sinh” - Ảnh 3.
Người thầy “đưa trường học đến với thí sinh” - Ảnh 4.
Người thầy “đưa trường học đến với thí sinh” - Ảnh 5.

TS Trần Đình Lý gắn bó với chương trình “Đưa trường học đến thi sinh “ do Báo Người Lao Động tổ chức

Người thầy “đưa trường học đến với thí sinh” - Ảnh 6.

Thấy Lý (thứ hai. bên phải qua) luôn nhiệt tình tham gia công tác hướng nghiệp, hỗ trợ thế hệ trẻ

Người thầy “đưa trường học đến với thí sinh” - Ảnh 7.

Thầy Trần Đình Lý sở hữu nguồn năng lượng tích cực và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

20 năm làm cầu nối cho hoạt động tuyển sinh, TS Trần Đình Lý đã tham gia nhiều chương trình, giúp hàng ngàn sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học. Họ mang kiến thức về xây dựng buôn làng, bản xa

Nói về những ngày qua với công việc đã làm, thầy Lý chỉ cười: “Tôi nghĩ đơn giản một điều là người học rất cần một sự chia sẻ, hiểu thông. Vì vậy với các em, tôi luôn đến từ tình cảm ấy.”

Bao thế hệ sinh viên rời trường nhận xét dù ở cương vị nào, thầy Lý vẫn là người thầy tận tâm với học trò. Thầy Lý tâm niệm: “Chân thành, trách nhiệm với bản thân và mọi người, nỗ lực là nền tảng của tất cả các mối quan hệ tương tác”.