Trong khi nhiều người lo lắng việc uống nhiều cà phê trong những giai đoạn stress, cần tập trung cao độ vào công việc… có thể làm bụng dạ khó chịu, một nghiên cứu mới từ Đại học Quốc gia Singapore và Bệnh viện Đa khoa Singapore chỉ ra điều ngược lại.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nutrients, cà phê có thể đẩy lùi hội chứng ruột kích thích (IBS), một rối loạn tương tác não – ruột mà 5-10% dân số thế giới từng phải vật lộn.
Tại Việt Nam, IBS còn được gọi là viêm đại tràng co thắt hay viêm đại tràng chức năng.
Cà phê đem lại lợi ích bất ngờ cho đường tiêu hóa – Ảnh minh họa từ Internet
Hầu như không thể điều trị dứt điểm, bệnh nhân IBS thường chỉ có thể “cầm cự” bằng các thuốc trị triệu chứng kết hợp với chế độ ăn uống, vận động, giảm stress và mong chờ qua giai đoạn “nổi loạn” của ruột.
Trong đó can thiệp dinh dưỡng là một trọng tâm, bởi một số thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ kích thích cơn co thắt, một số thực phẩm có thể kìm hãm.
Cà phê vốn thường bị cho là không ổn cho người có đường ruột kém. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy loại đồ uống phổ biến này ngược lại rất tốt cho đường ruột, nhờ tác động của các hợp chất hoạt tính sinh học lành mạnh lên hệ vi sinh vật đường ruột.”
Nhóm nghiên cứu Singapore đã phân tích dữ liệu của hơn 432.000 người từ châu Á, châu Âu và châu Phi để tìm câu trả lời.
Kết quả cho thấy với bất kỳ lượng cà phê tiêu thụ, khả năng phát triển IBS đều giảm rõ rệt so với nhóm đối chứng.
Những người tiêu thụ 1 ly cà phê, 2-3 ly cà phê và trên 4 ly cà phê mỗi ngày giảm được nguy cơ lần lượt là 7%, 9% và 19%. Người uống cà phê rang xay hoặc cà phê hòa tan có thể giảm được nguy cơ phát triển IBS đến 20%.
Các tác dụng này được cho là nhờ các hợp chất có lợi trong cà phê, ví dụ cafesol giúp làm giảm axit mật, mà axit mật cao đã được chứng minh là gây viêm niêm mạc ở bụng, tiêu chảy, có hại cho hệ vi sinh vật đường ruột… ở bệnh nhân IBS.
Các tác dụng có lợi này lấn át các đặc tính mà nhiều người cho rằng có hại của cà phê lên IBS, ví dụ việc làm tăng tiết axit dạ dày.
Các nhà khoa học kỳ vọng các nghiên cứu tiếp theo có thể đưa ra chính xác cách mà từng mức tiêu thụ cà phê hoặc cách pha chế khác nhau có thể ảnh hưởng đến hội chứng gây suy giảm chất lượng sống nghiêm trọng này.