Quá trình gian lận, lạm dụng mã giảm giá trên Shopee có sự hợp tác của chủ shop, đơn vị vận chuyển, người mua và bên làm tiếp thị liên kết.
Đầu tuần này, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ vừa thông báo việc khởi tố bị can, bắt tạm giam một nhóm chuyên sử dụng thủ thuật mạng máy tính, để trục lợi phi pháp mã giảm giá trên sàn TMĐT Shopee. Bị hại được đề cập đến là nền tảng trực tuyến, với giá trị sản phẩm hàng chục tỷ đồng. Đồng thời, chính khách hàng cũng chịu thiệt hại khi không được hưởng khuyến mãi.
Bằng quy trình tinh vi, cấu kết nhiều khâu trong quá trình vận hành thương mại điện tử, nhóm này có thể thu về số tiền lớn. Ngoài ra, việc lợi dụng chính sách như vậy không mới, đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm, sàn khó phát hiện và xử lý triệt để.
Cách lấy tiền của Shopee
Từ khi bắt đầu hoạt động ở thị trường Việt Nam, các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki thường xuyên báo lỗ. Một trong các khoản chi tiêu lớn của doanh nghiệp là dành cho chương trình khuyến mãi, mã giảm giá, chiết khấu vận chuyển… Việc “đốt tiền” nhằm thu hút thêm khách hàng mới, giữ chân người mua và mở rộng thị phần.
Tuy nhiên, chính sách ưu đãi của sàn cũng là mục tiêu của kẻ gian, tìm cách trục lợi bất chính. Trả lời Tri thức – Znews, nhiều người bán, chuyên gia TMĐT cho biết tình trạng nói trên tồn tại nhiều năm. Nhưng từ giữa năm 2023, các nhóm này mở rộng quy mô, tuyển dụng “cộng tác viên” để lợi dụng nhiều hơn từ sàn.
Theo Công an tỉnh Phú Thọ và Shopee, các đối tượng chuyên nghiệp, đăng ký tài khoản người bán hàng và chương trình affiliate (tiếp thị liên kết) trên sàn để bắt đầu quá trình trục lợi. Gian ảo được thiết lập, chuẩn bị thông tin và có sản phẩm theo ngành hàng như một shop bình thường.
Sau đó, những người này đăng tải thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, mời gọi, tìm thành viên tham gia nhóm đặt hộ. Theo nội dung được chia sẻ, mỗi đơn hàng được trả dưới 100.000 đồng, tùy giá trị voucher, đơn hàng.
Ở bước kế tiếp, các thành viên được hướng dẫn cách tìm kiếm mã giảm giá với số tiền chiết khấu lớn. Đồng thời, chúng theo dõi các chương trình khuyến mãi sàn áp đặt cho nhóm ngành hàng, khung giờ phù hợp để thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Ngoài ra, chiêu trò được các nhóm này sử dụng là thiết lập địa chỉ nhận hàng ảo, bằng cách đặt ám hiệu trong thông tin nhận hàng. Trước đó, Shopee đã ẩn nhiều thông tin của người mua trên hệ thống để tránh lộ lọt, gian lận.
Sau khi đặt đơn hàng được đặt, chủ shop đứng sau vẫn đóng hàng, dán hóa đơn như bình thường, nhưng bên trong lại “rỗng ruột” hoặc chỉ có tấm bìa, chai nước, miếng gỗ…
“Chủ shop cũng cấu kết với nhân viên giao hàng hoặc lợi dụng lỗ hổng trong quá trình vận chuyển, ‘gạch đơn’ ngay khi đến kho. Ở phía người mua giả, họ bấm xác nhận trên app để hoàn thành công việc”, sàn TMĐT cho biết.
Sau quá trình này, tiền hàng được thanh toán đầy đủ cho tài khoản chủ shop. Trong khi người mua trả số tiền thấp hơn nhờ áp voucher giá trị lớn. Khoảng chênh lệch là phần nhóm này thu lợi bất chính. Ngoài ra, khi người mua giả bấm vào đường dẫn được chuẩn bị trước từ tài khoản affiliate, bên đăng ký tiếp thị liên kết còn kiếm được phần trăm hoa hồng.
Như vậy, nhóm này có thể thu được lợi nhuận lớn từ tiền tiếp thị liên kết, chiết khấu voucher. Các khoản cần trừ đi là phí bán trên sàn và tiền thuê cộng tác viên.
Không phải chiêu trò mới
Trả lời Tri thức – Znews, ông Đỗ Quang Huy, chuyên gia TMĐT, Giám đốc công ty Ecotop cho biết những hình thức lợi dụng nền tảng kiểu này không mới, đã tồn tại nhiều năm, còn được chia sẻ trong các hội nhóm bán hàng. Gần đây, trong giai đoạn cạnh tranh căng thẳng với TikTok Shop, lượng mã giảm giá Shopee tung ra nhiều hơn, tạo cơ hội cho kẻ gian trục lợi kiếm lời.
Tri thức – Znews đã liên hệ Shopee để tìm hiểu số tiền thiệt hại và các chi tiết khác của vụ án Công an tỉnh Phú Thọ đang xử lý. Tuy nhiên đại diện công ty không chia sẻ thêm vì vẫn trong giai đoạn điều tra.
Trước đó, Shopee đã trực tiếp thông báo trừ tiền vào tài khoản, những trường hợp sàn TMĐT cho rằng đã vi phạm chính sách, lạm dụng mã giảm giá. Lượng lớn người bán cho biết bản thân bị trừ tiền. Một số trường hợp có phần thiệt hại từ vài trăm đến cả tỷ đồng.
Cụ thể, sàn khóa tính năng rút tiền trên ví người bán, trừ số tiền phạt dựa trên voucher bị cho là đã lạm dụng của shop. Nếu khoản phạt lớn hơn số dư tài khoản, phía nền tảng yêu cầu người bán trả đủ để được kinh doanh. Ngoài ra, trong thư gửi, Shopee cũng đe dọa đưa ra các hành động pháp lý.
Nhiều người bán bị “âm tiền” trong tài khoản khẳng định bản thân không lạm dụng mã giảm giá, không vi phạm chính sách. Nhóm này dọa kiện Shopee, kéo băng rôn trước trụ sở công ty này hồi cuối năm 2023.
Một hình thức lạm dụng khác từ shipper từng bị Công an tỉnh An Giang phát giác. Cụ thể, Nguyễn Hữu Thái (sinh năm 1996, trú xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bị bắt tạm giam hồi tháng 9/2023 với hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh An Giang, trong thời gian làm tài xế công nghệ Công ty Cổ phần Be Group (đối tác vận chuyển của Công ty TNHH Shopee Express), lợi dụng sơ hở đối soát giữa hai doanh nghiệp, từ tháng 7-9/2022, Nguyễn Hữu Thái đã nhờ bạn bè mở 8 tài khoản tài xế khác nhau để đối tượng kiểm soát.
Sau đó, Thái tạo nhiều tài khoản bán hàng, mua hàng ảo trên trang thương mại điện tử Shopee để đặt mua, giao và nhận các đơn hàng ảo. Bằng thủ đoạn trên, Thái đã chiếm đoạt tiền phí vận chuyển và phí hoàn hàng của Công ty Be Group trên 688 triệu đồng.
“Shipper cấu kết với người bán hoặc tự lập tài khoản bán hàng trên Shopee, rồi tham gia các chương trình ‘deal 1k’. Sau đó, họ dùng tool đặt lượng lớn đơn ảo trên tuyến mình giao rồi tự bấm nhận hàng. Cứ như vậy, shipper được cộng tiền vận chuyển mà chẳng phải làm gì”, ông Đỗ Quang Huy giải thích thêm về thủ đoạn chiếm đoạt tiền của người vận chuyển.
Trong đó, việc chọn tham gia các “deal 1k” nhằm không phải trả phí cho sàn, tối ưu lợi nhuận.
Xuân Sang