• Trang chủ
  • Bất động sản
  • ‏Hiện trạng nghĩa trang lớn nhất TP. HCM trước khi được “lột xác” thành công viên, trường học

‏Hiện trạng nghĩa trang lớn nhất TP. HCM trước khi được “lột xác” thành công viên, trường học

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa nằm tại phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân). Nằm cách trung tâm TP. HCM khoảng 12 km, nghĩa trang Bình Hưng Hòa được mở trước năm 1975 trên diện tích 0,44 km2 và là nơi chôn cất khoảng 70.000 ngôi mộ. Đây cũng là nghĩa trang lớn nhất TP. HCM.‏

Năm 2013, dự án Di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa chính thức nằm trong danh sách được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP. HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 với kinh phí đầu tư gần 2.500 tỷ đồng. Dự kiến toàn bộ khu đất tại nghĩa trang sẽ làm công viên cây xanh, quảng trường và 2 cụm trường học (6 trường) để 300.000 người dân bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều năm qua thụ hưởng sự thay đổi. Việc di dời nghĩa trang cũng tạo bộ mặt đô thị, giải quyết tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, đẩy lùi tệ nạn xã hội tại khu vực.‏

Dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa có quy mô khoảng 0,53 km2, 53.956 mộ và 97 hộ có nhà, đất bị ảnh hưởng. Dự án được chia thành 3 giai đoạn, đến tháng 7/2023, trên cơ sở chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, công tác bốc mộ đã hoàn thành gần 50%, tương đương 24.884 mộ. Trong đó, giai đoạn 1 còn 1.913 mộ, giai đoạn 2 còn 5.521 mộ, giai đoạn 3 đã bốc trước kế hoạch 4.119 mộ, còn lại 17.450 mộ đến năm 2025 và triển khai các thủ tục, đầu tư công trình công cộng theo quy hoạch. ‏

Hàng rào được dựng lên đối với những khu mộ đã được di dời, đồng thời cũng giúp tránh tình trạng đổ trộm rác vào bên trong. Trong ảnh là khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hoà giáp với đường Tân Kỳ Tân Quý. ‏

Theo UBND quận Bình Tân, việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa khó khăn hơn so với những nghĩa trang đã thực hiện ở giai đoạn trước vì không tìm được thân nhân của ngôi mộ mặc dù đã lập trang web về dự án, đăng báo, làm cả phóng sự truyền hình phát ở nước ngoài. Phần đất ven mộ được người dân trong khu vực dùng để nuôi gia súc, gia cầm. ‏

Vì là nghĩa trang tự phát nên cây cối ở đây mọc um tùm. Khi nghe được kế hoạch di dời, người dân đã tiến hành làm cỏ, mở đường để công việc bốc mộ diễn ra thuận lợi hơn. ‏

Theo anh Tiến (43 tuổi), việc bốc mộ vào những tháng gần đây diễn ra chậm và khó khăn hơn vì trời mưa, đất trơn trượt và dễ xảy ra sạt lở. ‏

“Từ khi có thông tin di dời, tôi mua sẵn hòm để trong nhà, phòng khi có thân nhân nào đến bốc mộ thì họ có thể đặt hài cốt vào đây rồi sau đó mang đi thiêu”, ông Tư (70 tuổi), người canh mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hoà, chia sẻ. ‏

Theo UBND quận Bình Tân, khu vực tiếp giáp nghĩa trang Bình Hưng Hoà đã có dự án và hình thành các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở. Nếu tiếp tục phát triển các khu chức năng tương tự sẽ không đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, việc phát triển các công trình nhà ở trên khu đất nghĩa trang sau khi bốc dỡ mộ dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn do yếu tố văn hóa, tâm linh. Vì vậy, theo lần điều chỉnh quy hoạch gần đây nhất, nghĩa trang lớn nhất TP. HCM được đề xuất điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng quỹ đất giáo dục, đất cây xanh. ‏

Tháng 7/2023, HĐND TP. HCM cũng đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng trường học, công viên có diện tích đất xây dựng 17 ha tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.497 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2026. Hiện gần địa bàn nghĩa trang có trường Trung học cơ sở Trần Quốc Toản. Khu đất bên cạnh trường đang là một bãi chứa đất cát, xà bần. ‏

Ngoài ra, TS – KTS Ngô Viết Nam Sơn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường khi chuyển đổi công năng. “Đất Bình Hưng Hòa phải được làm sạch trước khi tính đến phương án phát triển dự án. Chi phí xử lý môi trường là điều khoản bắt buộc, tính vào chi phí dự án”, ông Sơn đề nghị. Do tính chất là một nghĩa trang, theo thời gian, môi trường ở khu vực này bị ô nhiễm nặng. Người dân phải mua nước từ bên ngoài để phục vụ sinh hoạt. Các khu phòng trọ thì khoan nước giếng và luôn đi kèm theo khoản xử lý ô nhiễm. ‏