Giảm cân, hết mất ngủ nhờ… ăn sáng trễ?

“Nhịn ăn gián đoạn” vài năm gần đây đã được biết đến như một phương án giúp thúc đẩy hoạt động trao đổi chất nhằm giảm cân, hoặc được ứng dụng vào điều trị bệnh tiểu đường dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của nhân viên y tế.

Có một thử thách lớn: Chiến đấu với cơn đói trong thời gian không được phép ăn trong ngày. Tuy nhiên, một nghiên cứu lớn vừa được trình bày tại Hội nghị Dinh dưỡng châu Âu chỉ ra điều bất ngờ.

Giảm cân, hết mất ngủ nhờ... ăn sáng trễ? - Ảnh 1.

Ăn sáng trễ một chút có thể lại tốt cho bạn, nếu bạn là người đang chiến đấu với cân nặng, tâm trạng thấp hay chứng mất ngủ – Ảnh minh họa từ Internet

Theo Medical Xpress, nhóm tác giả từ Đại học Hoàng gia London (KCL-Anh) chỉ ra việc giới hạn hoạt động ăn uống trong khoảng 10 giờ có liên quan đến một loạt phản ứng có lợi cho sức khỏe.

Hơn 37.500 người đã hoàn thành giai đoạn can thiệp cốt lõi để tập thói quen nhịn ăn gián đoạn trong vòng 3 tuần, trong đó tuần đầu tiên họ ăn uống bình thường, 2 tuần còn lại nhịn ăn gián đoạn.

Thay vì bị hành hạ bởi cơn đói trong 14 giờ không ăn như mọi người tưởng tượng, người thực hiện chế độ ăn tất cả các bữa trong 10 giờ và nhịn ăn 14 giờ cho mỗi 24 giờ sẽ ít có cảm giác đói hơn.

Ít có cảm giác đói thường đồng nghĩa với ăn ít hơn, từ đó giảm cân một cách dễ dàng.

Dù vậy, các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu của UCL vẫn có mức năng lượng cao hơn người ăn uống rải ra trong ngày, khiến họ luôn cảm thấy nhiều sức lực để làm các việc trong ngày.

Sự cải thiện ngạc nhiên về tâm trạng và chất lượng giấc ngủ cũng được ghi nhận.

Theo các tác giả, điều này không quá khó. Nhịn ăn gián đoạn không yêu cầu cụ thể bạn phải ăn bữa nào vào giờ nào. Nếu cảm thấy việc ăn bữa cuối cùng trong ngày lúc chiều là quá khó khăn, bạn có thể ăn sáng trễ hơn. Ví dụ, bắt đầu bữa ăn sáng lúc 9 giờ và kết thúc bữa tối lúc 19 giờ.

Sau 2 tuần lễ thử chế độ ăn này, hơn 36.200 người trong số các tình nguyện viên đã tình nguyện kéo dài thời gian nhịn ăn gián đoạn. Những người vốn đã ăn như vậy từ trước khi thử nghiệm nhận được các lợi ích nói trên rõ ràng đến bất ngờ.

“Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của cách bạn ăn uống. Tác động của thực phẩm đến sức khỏe không chỉ là những gì bạn ăn mà còn là thời điểm bạn ăn” – TS Kate Bermingham từ KCL, đồng tác giả, cho biết.