PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, báo cáo Thủ tướng về các kết quả cũng như một số đề xuất
ĐHQG TP HCM kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính xem xét sớm phê duyệt Đề án “Phát triển ĐHQG TP HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á” sau khi ĐHQG TP HCM đã tiếp thu ý kiến của các bộ – ngành – địa phương.
Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết phát triển 6 Vùng chiến lược, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các trường ĐH. Ngày 7-10-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Theo đó, ĐHQG TP HCM được Thủ tướng giao chủ trì Đề án “Phát triển ĐHQG TP HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu châu Á”. Đề án này thuộc Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 24, với tầm nhìn trở thành hệ thống ĐH nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam; kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới, nhanh và bền vững cho vùng Đông Nam Bộ. Nhiệm vụ trọng tâm là phát triển các chương trình đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm đầu châu Á; phát triển ĐHQG TP HCM trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với các trung tâm của khu vực và thế giới.
Đầu tháng 8-2023, ĐHQG TP HCM đã hoàn thành dự thảo đề án này và đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Đây là định hướng quan trọng để ĐHQG TP HCM tiếp tục sứ mệnh của mình là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
ĐHQG TP HCM kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương giao ĐHQG TP HCM xây dựng và thực hiện: Đề án thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành; các chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á; chương trình phát triển ĐHQG TP HCM thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với vùng và khu vực châu Á.
ĐHQG TP HCM kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương và giao ĐHQG TP HCM phối hợp với UBND TP HCM, UBND tỉnh Bình Dương lập dự toán điều chỉnh tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng của ĐHQG TP HCM giai đoạn 2021-2025, phù hợp với các quy định của pháp luật; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, chủ trì thẩm định trình Thủ tướng xem xét quyết định.
ĐHQG TP HCM kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, thẩm định về số lượng, phương thức và ngân sách đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu; ngân sách đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu, nhất là các ngành trọng điểm như: công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và các ngành khoa học cơ bản khác.
ĐHQG TP HCM cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm trình hồ sơ để Thủ tướng ban hành quyết định thành lập Trường ĐH Khoa học sức khỏe, là trường đại học thành viên thứ 8 của ĐHQG TP HCM.
Sau hơn 28 năm xây dựng và phát triển, từ 3 trường ĐH thành viên nòng cốt trong 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, đến nay, ĐHQG TP HCM trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như: kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế – luật, khoa học sức khỏe, sư phạm, nông nghiệp… Các lĩnh vực này đều được cộng đồng khoa học trên thế giới và trong nước đánh giá cao.
Đến nay, ĐHQG TP HCM thuộc top 1.000 các trường ĐH tốt nhất thế giới (QS World); dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn quốc tế. Tính đến tháng 8-2023, ĐHQG TP HCM có tổng cộng 126 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế.
ĐHQG TP HCM là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus. Cụ thể, giai đoạn 2017-2022, ĐHQG TP HCM đã công bố 7.881 bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus; riêng năm 2022, tổng số bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí, hội nghị trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus đạt khoảng 2.300, là đơn vị có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất cả nước. Cũng trong giai đoạn này, toàn ĐHQG TP HCM thực hiện 6.373 hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt 216 tỷ đồng.