Việc áp dụng các hình thức kỷ luật với những học sinh (HS) đứng xem và quay clip của Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh được dư luận và các nhà giáo đánh giá là hợp lý. Ngay cả việc kỷ luật thôi học 2-3 tuần đối với 2 nam sinh và giám sát các em cũng là biện pháp kỷ luật phù hợp.
Tuy nhiên, từ sự việc ở Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh), câu hỏi được đặt ra: HS nên hành xử thế nào khi chứng kiến bạn đánh nhau và rộng hơn nữa là ứng xử ra sao trước các tình huống bạo lực học đường?
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên (GV) Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng 2 nam sinh đánh nhau là đã sai rõ ràng và phải có hình thức xử phạt phù hợp. Nhưng với HS quay clip, cần nhận diện các em quay để làm gì hay chỉ để mua vui. Sự thờ ơ của những HS trong lớp cũng rất đáng lên án. Tuy nhiên, thật ra đây cũng là tâm lý chung của nhiều người, không muốn can dự để liên lụy đến bản thân.
Thầy Chính đề xuất việc đầu tiên là phải giáo dục đạo đức cho HS ngay trong lớp. Nếu có mâu thuẫn thì HS không một mình giải quyết mà nên thông báo cho gia đình và GV. Trường hợp thấy bạn đánh nhau, nếu mình đủ nghị lực thì đứng ra ngăn cản, còn sợ thì tìm cách rời khỏi hiện trường và thông báo cho người lớn.
Những học sinh đứng xem, quay clip trong sự việc tại Trường THCS Đống Đa cũng sẽ bị xử lý kỷ luật
Thầy Chính cho biết thực tế, việc xử lý kỉ luật không khó vì có quy định về mức độ hành vi vi phạm. Nhưng mục đích của việc kỷ luật là để răn đe và giáo dục nên việc đầu tiên cần thiết là kết nối giữa GV chủ nhiệm và các HS để nắm bắt thông tin trước khi sự việc xảy ra.
Thế nhưng, từ đây sẽ có trường hợp nếu HS giấu không báo cho GV thì GV cũng không thể can thiệp được. Vì vậy, GV chủ nhiệm cần có những nhắc nhở và trao trách nhiệm đối với ban cán sự lớp. Khi sự việc đã xảy ra thì GV chủ nhiệm cần hàn gắn mối quan hệ rạn nứt, cần giám sát chặt chẽ hơn với các trường hợp, dù 2 HS này tiếp tục học cùng hay chuyển lớp…
Theo thầy Chính, dù không thể đổ hết trách nhiệm nhưng vai trò của GV chủ nhiệm là cực kỳ quan trọng. Các thầy cô làm công tác giám thị, công tác quản lý học sinh cũng cần nắm bắt sớm thông tin để phối hợp với GV chủ nhiệm để cùng xử lý.
“Năm học trước, lớp chủ nhiệm của tôi cũng xảy ra xô xát giữa 2 nhóm nam sinh, cũng quay clip tung lên group chung, sau đó tôi cũng đã giảng hòa với các em này, vừa răn đe, nhắc nhở vừa tạo cơ hội sửa sai, với hình thức kỷ luật “treo”, nếu còn tiếp tục vi phạm bất kỳ một lỗi tương tự thì sẽ xử lý mức đánh giá hạnh kiểm tương ứng. Rất mừng là trong suốt 1 năm học đó, không còn một sự việc xô xát nào nữa” – thầy Chính nói.
Theo thầy Chính, bên cạnh vai trò GV, vai trò giáo dục của gia đình cũng rất quan trọng. “Tôi cho rằng phụ huynh những em liên quan sự việc này đều phải uốn nắn, nhắc nhở và thường xuyên giám sát hành vi các em, ít nhất là trong một thời gian. Hành vi hành xử bạo lực của HS một phần là ảnh hưởng từ môi trường, từ các phim ảnh bạo lực, từ sự thiếu quan tâm, sự thay đổi tâm lý của các em trong độ tuổi dậy thì. Chúng ta cũng nên nhìn nhận tích cực một chút là em HS này dùng tay không thay vì dùng các vật dụng cứng gây sát thương. HS tuổi đang ăn đang lớn nếu chỉ phạt kiểu cứng nhắc thì không lẽ đuổi học hay đẩy các em ra ngoài “- thầy phân tích.
Tranh cãi yêu cầu học sinh xóa clip
Theo thầy Lâm Vũ Công Chính, việc HS đánh nhau, bạo lực học đường là chuyện cố hữu, tồn tại lâu nay, không phải nhờ có mạng xã hội mới phát hiện, mới phát đi tín hiệu cảnh báo, mà chính mạng xã hội làm cho mọi việc khó xử lý hơn. Chẳng hạn, với sự việc xảy ra trong lớp thì việc đầu tiên là yêu cầu HS thu hồi clip. GV hay nhà trường làm vậy không phải để bao che mà để tạo điều kiện cho HS vi phạm còn cơ hội sửa lỗi.