Món tinh bột được các nhà khoa học từ Trung tâm Y tế Montefiore (New York – Mỹ) quan tâm chính là khoai tây. Khoai tây thuộc nhóm thực phẩm “rau củ có tinh bột” mà hầu hết các hướng dẫn dinh dưỡng xếp vào nhóm tinh bột. Tuy nhiên, nó đặc biệt hơn chúng ta nghĩ.
Thêm khoai tây vào bữa ăn hoặc dùng khoai tây thay cơm vài bữa trong tuần có thể giúp bạn đẩy lùi các bệnh tim mạch, ung thư ruột – Ảnh minh họa từ Internet
Theo Daily Mail, các tác giả đã tính toán sự khác biệt giữa 3 loại carbohydrate khác nhau trong hai bữa ăn điển hình của người Mỹ và tính tổng chênh lệnh những thứ mà người ăn nhận được hàng ngày.
3 loại carbohydrate nói trên được đại diện bởi một củ khoai tây cỡ trung bình hoặc gạo trắng, hoặc bánh mì nguyên cám cùng trọng lượng.
Kết quả được công bố trên tạp chí Frontiers in Nutrions cho thấy so với ăn khoai tây, người ăn cơm nhận được lượng kali và chất xơ ít hơn hẳn. Đáng chú ý là lượng vitamin B6 ít hơn 17%.
Vitamin B6 còn gọi là pyridoxine, đóng vai trò như một chất xúc tác giúp cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng từ protein và carbohydrate trong thực phẩm, cũng như rất quan trọng để duy trì các mạch máu khỏe mạnh.
Đặc biệt, một củ khoai tây cỡ trung bình cung cấp tới 15% lượng kali khuyến nghị hàng ngày, trong khi bánh mì nguyên hạt chỉ có 3%. Kali là một vi chất quan trọng với hoạt động của một loạt hệ cơ quan như hệ tim mạch, cơ bắp, tiêu hóa, tiết niệu…, bao gồm tác dụng ổn định huyết áp.
Ngoài ra, một củ khoai tây cỡ trung bình cung cấp tới 30% lượng vitamin C khuyến nghị, một vi chất cần thiết khác, đóng vai trò lớn trong hoạt động của hệ miễn dịch, tuần hoàn…
Xem xét tổng thể, những người thường xuyên ăn khoai tây thay vì chỉ ăn bánh mì và cơm còn giảm được nguy cơ các bệnh tim mạch và bệnh ung thư ruột.
Ung thư ruột (ung thư đại trực tràng) trước đó đã được một số nghiên cứu chứng minh là liên quan mạnh mẽ đến lượng chất xơ tiêu thụ. Do đó, chất xơ cao trong khoai tây có thể là thứ tạo nên khác biệt.
Kết quả này khiến TS Keith T. Ayoob, tác giả chính của nghiên cứu, khuyến nghị nên bổ sung rau củ có tinh bột – bao gồm khoai tây, khoai lang, khoai mỡ… – vào khẩu phần carbohydrate hàng ngày.
Ông cũng nhấn mạnh các loại carbohydrate đều có giá trị dinh dưỡng riêng biệt và không thể thay thế cho nhau. Vì vậy, việc ăn cơm, bánh mì và nghĩ rằng đủ có thể là thiếu sót.
Nghiên cứu này cũng là một tin vui cho những người muốn giảm cân, bởi dùng bắp, khoai tây, khoai lang… thay một phần tinh bột là một trong những chiến lược giảm cân nhiều quý cô theo đuổi.
Theo Healthlines, một phần 100 g bắp ngọt (bắp Mỹ) cung cấp 75 g carbs, trong khi 100 g khoai tây và khoai lang chỉ cung cấp lần lượt 22 và 18 g carbs, còn ít hơn cả đậu Hà Lan (25 g).